1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Khối băng khổng lồ hơn 1.000 tỷ tấn bắt đầu tách khỏi Nam Cực

(Dân trí) - Núi băng đồ sộ có diện tích khoảng 5.800 km2 và trọng lượng hơn 1.000 tỷ tấn đang tách ra từ thềm băng Larsen C ở Nam Cực.

Núi băng khổng lồ to bằng một phần tư nước Wales đang tách khỏi Nam Cực

Một vệ tinh chuyên chụp ảnh nhiệt của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã xác nhận vết nứt tồn tại trên mặt thềm băng suốt vài năm cuối cùng đã gãy lìa.

Hệ quả là một núi băng khổng lồ có kích thước tương đương với một phần tư diện tích nước Wales đang tách ra khỏi thềm Larsen C ở Nam Cực.

Tuy nhiên, núi băng chưa trôi xa khỏi vị trí, có thể do mắc vào những ngọn đồi dưới nước hoặc do gió và các dòng hải lưu. Các nhà khoa học chia sẻ tình trạng núi băng trôi trên website Project Midas chuyên đưa tin về nghiên cứu Nam Cực.


Núi băng đang tách khỏi Nam Cực có kích thước tương đương một phần tư diện tích nước Wales.

Núi băng đang tách khỏi Nam Cực có kích thước tương đương một phần tư diện tích nước Wales.

Các nhà nghiên cứu cho biết sự đứt gãy xảy ra trong khoảng ngày 10/7 và 12/7, khi núi băng 5.800 km2 thuộc Larcen C cuối cùng cũng tách ra. Núi băng trôi ký hiệu A68, nặng hơn một 1.000 tỷ tấn. Thể tích của núi băng trôi lớn gấp hai lần hồ Erie, một trong Ngũ Hồ ở Mỹ.

Dù núi băng trôi có kích thước khổng lồ, nó chỉ lớn bằng một nửa khối băng lớn nhất từng được ghi nhận với diện tích 11.000 km. Nó tách khỏi thềm băng Ross năm 2000 và đi qua New Zealand khoảng 6 năm sau.

Bức ảnh nhiệt màu tím của vệ tinh NASA chỉ ra vết nứt mở rộng theo hình đường vòng dọc theo bờ biển. Sau đó, ảnh chụp có độ phân giải cao hơn từ một vệ tinh khác cũng thể hiện kết quả tương tự.

Theo các nhà khoa học, bản thân núi băng trôi không ảnh hưởng tới mực nước biển toàn cầu khi trôi dạt trên mặt nước. Tuy nhiên, nó có thể gây ra tác động lớn thúc đẩy tốc độ đổ xuống biển của sông băng.

Sự tách rời của núi băng trôi khiến thềm băng Larsen C giảm hơn 12% diện tích và quang cảnh bán đảo Nam Cực thay đổi vĩnh viễn. Dù thềm băng còn lại sẽ tiếp tục tái tạo theo thời gian, lớp băng mới có khả năng kém ổn định hơn so với trước khi nứt vỡ.

Núi băng trôi có thể ở nguyên vị trí. Một số trường hợp không thay đổi vị trí suốt 20 năm, trôi xa theo các dòng hải lưu rồi hợp thành khối lớn hoặc vỡ thành nhiều tảng nhỏ hơn.

Giáo sư Adrian Luckman của Đại học Swansea, Wales, nhà nghiên cứu đứng đầu dự án Midas, cho biết: "Chúng tôi đã tiên liệu trước sự kiện này từ nhiều tháng và khá bất ngờ trước thời gian để núi băng tách ra khỏi vài kilomet băng cuối cùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tác động của sự kiện tách rời này lên thềm băng Larsen C cũng như số phận của núi băng trôi khổng lồ".

Núi băng trôi vừa tách ra là một trong những trường hợp lớn nhất từng được ghi nhận và tương lai của nó rất khó dự đoán. Nó có thể giữ nguyên hiện trạng nhưng khả năng cao hơn là vỡ thành nhiều mảnh. Một số tảng băng sẽ vẫn ở trong khu vực sau nhiều thập kỷ trong khi các phần khác của núi băng trôi có thể trôi dạt về phương bắc tới những vùng nước ấm.

Rod Downie, quản lý các chương trình vùng cực của tổ chức từ thiện WWF, nhấn mạnh: "Các vùng cực chi phối đại dương và khí quyển. Nhưng khu vực phía tây Nam Cực đang trải qua tốc độ ấm lên nhanh nhất hành tinh trong những thập kỷ gần đây, và đó không phải tin tốt với những loài tiêu biểu như chim cánh cụt Adélie hoặc chim cánh cụt hoàng đế".

Đoàn Dương (Theo Independent)