Khoảnh khắc siêu núi lửa Hawaii phun trào nhìn từ vệ tinh
(Dân trí) - Mauna Loa, ngọn núi lửa còn đang hoạt động lớn nhất thế giới vừa phun trào trở lại sau gần 40 năm.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, ngọn núi lửa Mauna Loa ở Hawaii đã phun trào vào đêm 27/11 theo giờ địa phương, khiến bầu trời toàn bộ khu vực chuyển thành màu đỏ.
Các vệ tinh của Cơ quan Khí quyển và Hải dương học Quốc gia (NOAA) đã quan sát vụ phun trào từ trên cao, mang đến cái nhìn toàn cảnh về mức độ khủng khiếp mà một vụ phun trào như vậy có thể gây ra.
Theo thông tin mới nhất được Cơ quan Quản lý Khẩn cấp của Hawaii đăng tải, dường như không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với các khu vực đông dân cư, và chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể nào về người và tài sản.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), dòng dung nham của vụ phun trào chỉ nằm ở khu vực hõm chảo trên đỉnh núi và không gây ra mối đe dọa cho những ngôi nhà xây ở sườn dốc.
Dẫu vậy, cơ quan này cảnh báo rằng gió có thể mang theo khí núi lửa và tro bụi, từ đó khiến bầu không khí trong một khu vực rộng lớn trở nên ô nhiễm trầm trọng.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo rằng những người có tiền sử bệnh về đường hô hấp nên ở trong nhà để tránh hít phải tro bụi, và bất kỳ ai ra ngoài đều nên sử dụng khẩu trang để che kín mũi, miệng.
Nguyên nhân hình thành núi lửa
Núi lửa thường được gắn liền với những cụm từ như" thảm họa thiên nhiên", "thảm họa diệt vong", và hình tượng hóa để trở thành một hiện tượng đáng sợ trong các bộ phim điện ảnh.
Mặc dù có sức công phá hủy diệt khi phun trào dữ dội, nhưng trên thực tế ít ngọn núi lửa thuộc vào diện này. Thay vào đó, các núi lửa thường rỉ nham thạch (magma) ra từ từ, rất chậm, thậm chí chúng ta có thể đi trên nó một cách an toàn.
Có nhiều nguyên nhân khiến một ngọn núi lửa hoạt động. Dễ bắt gặp nhất là tại các dãy núi bị nâng cao lên, còn bên dưới lại có áp suất không lớn, dẫn đến việc hình thành những hồ magma - thực ra chính là lượng đá bị nóng chảy do nhiệt độ bên dưới bề mặt Trái đất rất nóng.
Sau khi hình thành, hồ magma tiếp tục đùn lên, khiến các ngọn núi cao lên liên tục. Một khi áp lực tạo ra bởi hồ magma lớn hơn áp lực do lớp đất đá bên trên, magma sẽ phun trào tạo ra hiện tượng núi lửa.
Trải qua các quá trình phun trào, nhiều chất rắn kèm theo khí ga nóng bị phun lên cao, các vật chất này tràn xuống sườn núi và chân núi, tạo ra ngọn núi hình nón. Đây cũng là đặc trưng dễ bắt gặp của một ngọn núi lửa.
Lịch sử phun trào của siêu núi lửa Mauna Loa
Mauna Loa hiện là núi lửa lớn nhất thế giới còn đang hoạt động. Nó cao hơn khoảng 9,1 km so với đáy đại dương, khiến ngọn núi này lớn hơn cả đỉnh Everest về mặt kích thước.
Mauna Loa đã phun trào tổng cộng 33 lần kể từ năm 1843, theo số liệu được ghi chép bởi USGS. Dẫu vậy, ngọn núi lửa này đã hoàn toàn im ắng kể từ năm 1984, cách đây 38 năm.
Núi lửa Mauna Loa phun trào được cho là hệ quả từ những trận địa chấn dữ dội xảy ra trong thời gian gần đây. Theo CNN, chỉ trong tháng 9/2022, đã có 2 ngày ghi nhận xảy ra hơn 100 trận động đất ở xung quanh khu vực.