Khoảnh khắc núi lửa Tonga phun trào "như nổ bom nguyên tử" nhìn từ vệ tinh

Minh Khôi

(Dân trí) - Khoảnh khắc núi lửa Tonga phun trào đã được vệ tinh ghi lại, cho thấy sức công phá khủng khiếp tạo nên những đợt sóng thần cao 1,2 mét.

Một trong những vụ phun trào lớn nhất từng được chụp từ không gian

Ngày 15/1, một ngọn núi lửa dưới biển gần đảo quốc Tonga ở Thái Bình Dương đã phun trào mạnh mẽ, tạo ra một làn sóng xung kích bùng nổ từ không khí và sóng thần cao 1,2 mét đã ập vào bờ biển thủ đô Nuku'alofa của Tonga. Khoảnh khắc vụ phun trào đã được ghi lại bởi các vệ tinh, cho thấy đây chắc chắn là một trong những vụ phun trào dữ dội nhất từng được nhìn thấy từ không gian.

Khoảnh khắc núi lửa Tonga phun trào như nổ bom nguyên tử nhìn từ vệ tinh - 1

Hình ảnh động về vụ phun trào núi lửa Tonga ở khu vực Nam Thái Bình Dương được vệ tinh GOES West của NOAA ghi lại vào ngày 15/1/2022. Qua hình ảnh, có thể thấy rõ sóng xung kích của vụ nổ.

Khoảnh khắc núi lửa Tonga phun trào như nổ bom nguyên tử nhìn từ vệ tinh - 2

Cận cảnh vụ phun trào ghi lại bởi vệ tinh thời tiết Himawari 8 của Nhật Bản.

Khoảnh khắc núi lửa Tonga phun trào như nổ bom nguyên tử nhìn từ vệ tinh - 3

Một góc nhìn khác của vụ nổ ghi lại từ vệ tinh Himawari 8.

Khoảnh khắc núi lửa Tonga phun trào như nổ bom nguyên tử nhìn từ vệ tinh - 4

Ở đây, bộ lọc hồng ngoại của camera vệ tinh cho thấy tro núi lửa và khí sulfur dioxide bùng nổ lên khỏi mặt biển trong một khoảng thời gian ngắn.

Khoảnh khắc núi lửa Tonga phun trào như nổ bom nguyên tử nhìn từ vệ tinh - 5

"Đây chắc chắn là một trong những vụ phun trào núi lửa khủng khiếp nhất trong thập kỷ qua", Shane Cronin, nhà núi lửa học tại Đại học Auckland cũng cho biết.

Những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy sóng thần xảy ra sau vụ phun trào đã nhấn chìm nhiều tuyến đường ven biển, tràn vào nhà cửa và cuốn trôi xe cộ. Khu vực đảo chính Tongatapu ghi nhận nhiều khu vực mất điện, liên lạc bị gián đoạn.

Các quan chức địa phương cho biết vụ phun trào xảy ra dưới đáy biển có bán kính ít nhất 260 km, đã thổi một lượng lớn tro bụi, hơi nước và khí sulfur dioxide vào không khí trong bán kính 20 km vuông, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA). Người đứng đầu Cơ quan Địa chất Tonga Taaniela Kula cho biết lần hoạt động này của núi lửa mạnh gấp 7 lần so với đợt phun trào gần đây nhất vào ngày 20/12/2021.

Nguyên nhân hình thành núi lửa

Khoảnh khắc núi lửa Tonga phun trào như nổ bom nguyên tử nhìn từ vệ tinh - 6

Mặt cắt một núi lửa dạng tầng:

1/Lò magma; 2/Móng; 3/Ống dẫn; 4/Chân núi; 5/Mạch trần; 6/Mạch tường; 7/Lớp tro; 8/Sườn núi; 9/Lớp dung nham; 10/Họng núi lửa; 11/Nón "ký sinh"; 12/Dòng dung nham; 13/Lỗ thoát; 14/Miệng núi lửa;
15/Đám mây tro.

Núi lửa thường được gắn liền với những cụm từ như" thảm họa thiên nhiên", "thảm họa diệt vong", và hình tượng hóa để trở thành một hiện tượng đáng sợ trong các bộ phim điện ảnh.

Mặc dù có sức công phá hủy diệt khi phun trào dữ dội, nhưng trên thực tế ít ngọn núi lửa thuộc vào diện này. Thay vào đó, các núi lửa thường rỉ nham thạch (magma) ra từ từ, rất chậm, thậm chí chúng ta có thể đi trên nó một cách an toàn.

Có nhiều nguyên nhân khiến một ngọn núi lửa hoạt động. Dễ bắt gặp nhất là tại các dãy núi bị nâng cao lên, còn bên dưới lại có áp suất không lớn, dẫn đến việc hình thành những hồ magma - thực ra chính là lượng đá bị nóng chảy do nhiệt độ bên dưới bề mặt Trái đất rất nóng.

Sau khi hình thành, hồ magma tiếp tục đùn lên, khiến các ngọn núi cao lên liên tục. Một khi áp lực tạo ra bởi hồ magma lớn hơn áp lực do lớp đất đá bên trên, magma sẽ phun trào tạo ra hiện tượng núi lửa.

Trải qua các quá trình phun trào, nhiều chất rắn kèm theo khí ga nóng bị phun lên cao, các vật chất này tràn xuống sườn núi và chân núi, tạo ra ngọn núi hình nón. Đây cũng là đặc trưng dễ bắt gặp của một ngọn núi lửa.

Đối với những ngọn núi lửa nằm sâu dưới đáy đại dương, hiện tượng phun trào vẫn xảy ra một cách thường xuyên. Nước biển tuy có thể làm giảm nhiệt độ của magma nhưng không thể ngăn cản sự phun trào của núi lửa, vì nguyên lý hoạt động của núi lửa phun trào là do áp suất bên trong quá cao trong khi nước biển không thể làm giảm áp suất bên trong Trái Đất.

Khi núi lửa ngầm phun trào, magma phun ra từ bên trong liên tục được tích tụ vào nước biển, nâng cao địa hình xung quanh tạo thành hình nón núi lửa. Vào những năm 1960, người dân gần Iceland ở Bắc Đại Tây Dương đã chứng kiến một vụ phun trào núi lửa ngầm, tác động của vụ phun trào này đã xô nước biển lên bầu trời hàng trăm mét, một lượng lớn tro núi lửa tràn lên bầu trời vài km.