Khoảnh khắc chết đi có giống như tắt một chiếc công tắc điện?

Phạm Hường

(Dân trí) - Chăm sóc cho một người vào giai đoạn cận kề cái chết luôn là việc gây áp lực cho gia đình và nhân viên y tế.

Một nghiên cứu mới đã mang lại cơ sở để xác định rõ ràng hơn đâu là thời điểm một người bước qua ranh giới giữa sống và chết. 

Khoảnh khắc chết đi có giống như tắt một chiếc công tắc điện? - 1

Thiết bị theo dõi nhịp tim bệnh nhân ở một phòng chăm sóc tích cực trong bệnh viện. 

Chúng ta đều biết rằng một ngày nào đó, hy vọng là còn xa, rất xa nữa, chúng ta sẽ rời bỏ thế giới này. Cho dù bạn tin là có kiếp sau hay không thì cái chết vẫn là điều không ai tránh được. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn luôn phải cố gắng để xác định cái chết trong một số trường hợp và khi cơ thể của một người ngừng hoạt động, thật khó để biết khi nào những người thân nên chấp nhận rằng người đó đã ra đi, ngay cả khi trái tim của họ vẫn còn đập.   

Trong một số trường hợp, công tác hỗ trợ tích cực để kéo dài sự sống quả là điều thần kỳ, nhờ đó mà người thân trong gia đình có cơ hội nói lời từ biệt cũng như cho phép thời điểm hấp hối diễn ra chậm lại một chút. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn muốn biết mức độ chính xác của việc các y bác sĩ xác định đúng thời điểm có thể gỡ bỏ mọi máy móc cũng như ngừng mọi hoạt động hỗ trợ sự sống cho người ốm. Và thực sự, họ đã và đang làm việc này rất chính xác. 

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y khoa New England với 631 đối tượng được theo dõi quá trình chấm dứt sự sống, những người nằm trong phòng điều trị tích cực và được hỗ trợ sự sống, đã tìm hiểu vấn đề ngừng hỗ trợ tích cực có thực sự chấm dứt sự sống của người đó hay không. Nếu câu trả lời là không, và tim người đó vẫn đập sau khi ngừng mọi máy móc và công tác hỗ trợ sự sống, thì sẽ luôn có một câu hỏi là liệu người đó có thể sống lại hay không.  

Điều đáng mừng là chúng ta hoàn toàn có thể tin cậy ở quyết định của các nhân viên y tế. Gần như tất cả những người bệnh này đều ra đi ngay sau khi ngừng các biện pháp hỗ trợ sự sống. Như vậy có thể thấy là các bác sĩ, y tá chịu trách nhiệm ra quyết định ngừng các biện pháp này đã làm đúng. Chỉ có 1% (5 người trong số các đối tượng nghiên cứu nói trên) là vẫn còn có biểu hiện của hoạt động tim mạch hoặc hô hấp vào những giây phút ngay sau khi ngừng hỗ trợ sự sống, và 14% tim đập trở lại sau một thời gian ngắn ngừng đập. Quãng thời gian dài nhất từ khi tim ngừng đập và hoạt động trở lại, nếu có, chỉ là 4 phút. 

Các bác sĩ và nhân viên y tế  thường dành một khoảng thời gian rồi sau đó mới tuyên bố một người đã chết. Thời gian tiêu chuẩn này là 5 phút, và trong nghiên cứu nói trên thì đây là quãng thời gian phù hợp, không có gì sai sót khi xác định cái chết của toàn bộ các bệnh nhân.

Như vậy, chúng ta có thể tin tưởng ở các bác sĩ và nhân viên y tế. Còn việc hiểu được cái chết chính xác là gì và đâu là thời điểm chuyển giao giữa sự sống và cái chết thì vẫn là một điều còn nhiều bí ẩn. Như giáo sư dự khuyết, bác sĩ Joanna Lee Hart của Trường đại học Pennsylvania, Mỹ, nói thì mục tiêu của chúng ta là "hiểu cách định nghĩa cái chết về mặt y học, nó là một quá trình liên tục chứ không phải dứt khoát, tức thì như là tắt một công tắc điện".