Khoáng chất mới tìm thấy trên Mặt Trăng có ý nghĩa gì?

Minh Khôi

(Dân trí) - Vật liệu mới có tên gọi là Changesite- (Y) chứa hàm lượng helium-3 đủ lớn để làm nhiên liệu cho phản ứng tổng hợp hạt nhân trong tương lai.

Khoáng chất mới tìm thấy trên Mặt Trăng có ý nghĩa gì? - 1

Mặt Trăng có thể thành "mỏ năng lượng" tiếp theo của Trái Đất (Ảnh: Getty).

Có tên gọi tạm thời Changesite- (Y), vật liệu vừa được tìm thấy trên mặt trăng là một khoáng chất với cấu trúc tinh thể ở dạng cột, có bán kính chỉ 10 micron, và hoàn toàn trong suốt.

Điều làm chúng trở nên đặc biệt là hàm lượng helium-3 rất đáng kể bên trong. Đây là một đồng vị quan trọng, có thể hữu ích trong các phản ứng hạt nhân.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, đa số phản ứng nhiệt hạch hiện nay thường sử dụng tritium và deuterium làm vật liệu chính, nhưng những phản ứng này tạo ra các sản phẩm sinh học rất khó lưu trữ và gây ra nhiều tổn thất năng lượng liên quan đến phản ứng.

Giải pháp thay thế được đề xuất, đó là sử dụng helium-3, một đồng vị được biết đến như nguyên tố ổn định duy nhất có chứa nhiều proton hơn neutron.

Khoáng chất mới tìm thấy trên Mặt Trăng có ý nghĩa gì? - 2

Vật liệu mới có khả năng tạo ra cuộc cách mạng trong ngành năng lượng hạt nhân (Ảnh: MIT).

Theo đó, khi trộn helium-3 và deuterium với nhau, thì phản ứng sẽ tạo ra helium và một proton duy nhất. Điều này được xem là mang lại hiệu quả cao, đồng thời dễ xử lý hơn so với các lựa chọn thay thế.

Helium-3 là vật chất cực kỳ hiếm trên Trái Đất, và thường không được xem là một nguồn năng lượng khả thi.

Tuy nhiên, nếu khoáng chất này phổ biến hơn trên Mặt Trăng, thì đây nhiều khả năng sẽ là cuộc cách mạng lớn mở ra cánh cửa khai thác cho ngành năng lượng tương lai của nhân loại.

Theo Bloomberg, vật liệu được Trung Quốc phát hiện trên Mặt Trăng dựa trên phân tích mẫu đất đá từ sứ mệnh Thường Nga 5 (Chang'e-5) được thực hiện năm 2020.

Dự kiến, Trung Quốc chuẩn bị phóng 3 tàu thăm dò mới để tiếp cận Mặt Trăng và kiểm tra mật độ của helium-3 trên bề mặt. Cùng với đó là các kế hoạch dài hơi, nhằm tăng sự hiện diện tại vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.

Đây được xem là một nỗ lực nhằm cạnh tranh trực tiếp với Mỹ - cường quốc cũng đang ráo riết triển khai những kế hoạch hướng tới Mặt Trăng trong thời gian tới, tiêu biểu là sứ mệnh Artemis-1 của NASA.

Theo www.iflscience.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm