1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khoa học lý giải tại sao chúng ta lại nấc cụt

(Dân trí) - Dường như có rất nhiều thứ kích hoạt loại phản xạ ngẫu nhiên là nấc cụt, nhưng liệu khoa học có hiểu được tại sao phản xạ đó lại xảy ra hay không?

Khoa học lý giải tại sao chúng ta lại nấc cụt - 1

Có lúc chúng gây cười, có lúc chúng khó chịu hoặc thậm chí gây bực bội. Chúng có thể làm phiền bạn vào những thời điểm bất tiện nhất – đây là đôi điều về nấc cụt.

Nấc cụt là gì? Và có những lý do khoa học nào giải thích tại sao chúng ta lại nấc cụt hay không?

Cơn nấc cụt dài nhất thế giới

Theo sách kỷ lục Guinness Thế giới, kỷ lục về cơn nấc cụt dài nhất thuộc về Charles Osborne. Ông đã bị nấc trong 68 năm, từ năm 1922 đến năm 1990 với ước tính khoảng 430 triệu lần nấc. Christopher Sands thì trải qua khoảng 10 triệu lần nấc trong 27 tháng từ năm 2007 đến 2009. Cứ 2 giây người này nấc một lần, trong 12 giờ mỗi ngày.

Văn hóa dân gian Mỹ cho rằng bị nấc cụt có nghĩa là ai đó đang nhắc đến bạn hoặc đang nhớ bạn. Nếu bạn lướt qua danh sách bạn bè trong đầu, cơn nấc cụt sẽ dừng lại khi bạn nhớ đến người mà bạn cho là thủ phạm làm bạn bị nấc. Trong thời trung cổ thì nấc cụt được cho là do yêu tinh gây ra.

Cơ chế nấc cụt

Cơ hoành của bạn, cơ lớn nằm ngay bên dưới phổi và phía trên dạ dày, giúp bạn thở. Nó di chuyển lên trên để đẩy không khí ra khỏi phổi và di chuyển xuống dưới để hút không khí vào. Dẫu rằng chúng ta không cần phải nghĩ đến nó mỗi lần – dù chúng ta có thể điều khiển nó nếu muốn: hít vào, thở ra – bộ não của chúng ta vẫn ra tín hiệu cho cơ hoành thực hiện những vận động này.

Đôi khi, não của chúng ta ra tín hiệu cho cơ hoành di chuyển xuống mạnh hơn bình thường. Sự co thắt cơ bắp đột ngột, không tự nguyện này làm không khí bị hút vào phía sau cổ họng. Sau đó, khu vực cổ họng gần dây thanh âm nhanh đóng lại, do sự thay đổi áp lực này mà tạo ra một tiếng “hic”.

Tại sao chúng ta lại nấc

Chúng ta đã hiểu về cơ chế của nấc cụt – đó là một loại phản xạ không tự nguyện. Nhưng tại sao lúc đầu bộ não lại gửi tín hiệu để tạo ra phản xạ này? Các nhà khoa học đã cố gắng xác định một lý do rõ ràng, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được điều đó.

Mặc dù không biết chính xác tại sao bộ não lại ra tín hiệu làm chúng ta nấc cụt, nhưng chúng ta cũng biết khá nhiều thứ kích hoạt phản xạ này. Có nghiên cứu đã thấy nấc cụt kích hoạt do tổn thương (ví dụ như chấn thương đầu), các khối u hoặc bướu cổ, nhiễm trùng (bao gồm cả viêm màng não và viêm não), trướng bụng, và các vấn đề với hệ thần kinh trung ương như bệnh đa xơ cứng.

Do các kích thích như ợ nóng, thức ăn cay, viêm dạ dày, trào ngược và loét dạ dày cũng có liên quan với tiếng nấc. Một người thậm chí còn bị nấc cụt do một sợi tóc cọ vào màng nhĩ của họ, màng rung lên để phản ứng với sóng âm và cho chúng ta nghe thấy.

Chúng ta cũng biết một vài hành vi có thể dẫn đến nấc cụt: hút thuốc lá, cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, trải qua một số cảm xúc tăng cao như hưng phấn hoặc căng thẳng, hoặc bụng quá đầy (thức ăn, rượu, hoặc thậm chí là không khí)

Nấc cụt không ngừng có thể gây bất tiện nghiêm trọng, đặc biệt là nếu nó ảnh hưởng đến khả năng ăn, ngủ hoặc giao tiếp của bạn. Nấc cụt kéo dài có thể là một vấn đề về sức khỏe, cho dù đó là viêm tai, suy thận, viêm thanh quản hoặc thoát vị.

Trong trường hợp của Christopher Sands và 10 triệu lần nấc cụt mình, ông đã được phát hiện một khối u não chèn vào dây thần kinh cơ hoành – đó là dây thần kinh có nhiệm vụ báo hiệu phản xạ nấc. Khi ông được phẫu thuật cắt bỏ khối u này, các cơn nấc của ông cũng dừng lại.

Ngọc Anh

Theo Scientific American