1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khám phá "lỗ khóa" mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác

Phạm Hường

(Dân trí) - Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA chụp được bức ảnh được các chuyên gia gọi là "lỗ khóa vũ trụ", gợi mở bên kia là một vũ trụ hoàn toàn mới so với vũ trụ của chúng ta.

Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 1

Tinh vân phản chiếu NGC 1999 (Ảnh: ESA/Hubble&Nasa, ESO, K.Noll).

Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA vừa chụp được một bức ảnh có một không hai: một hình ảnh kỳ diệu trong đó hiện ra một kết cấu không gian trông như một lỗ hổng, gợi mở bên kia là một vũ trụ hoàn toàn mới.

Được các chuyên gia gọi là "lỗ khóa vũ trụ", hiện tượng thiên văn này chính là một tinh vân phản chiếu, một phần tàn tích của sự hình thành một ngôi sao mới, mà trong trường hợp này là một hệ đa sao nhỏ được đặt tên là Lạp Hộ V380 trong chòm sao Lạp Hộ (Orion). 

Vật thể vũ trụ ma quái mà bạn nhìn thấy trong ảnh có tên NGC 1999, ở cách hành tinh của chúng ta khoảng 1.350 năm ánh sáng, không xa tinh vân Lạp Hộ là mấy. Tinh vân này chính là một "nhà máy" sản xuất sao ở gần Trái Đất nhất.

Lỗ hổng ở giữa tinh vân này đúng là một khoảng trống trong vũ trụ, mặc dù ban đầu các nhà thiên văn học cho rằng nó là một khối cầu Bok, một đám mây dày đặc và lạnh giá được tạo thành từ khí, các phân tử và bụi đã chặn hết ánh sáng từ phía sau.

Xung quanh lỗ hổng này chúng ta có thể nhìn thấy một đám mây bụi phản chiếu ánh sáng từ ngôi sao Lạp Hộ V380 ở gần trung tâm của lỗ khóa vũ trụ. Cũng từ đó mà ra đời cái tên tinh vân Lạp Hộ, trong tiếng Latin, Orion còn có nghĩa là "đám mây" hoặc "sương mù".

Các cơ quan vũ trụ mô tả nó "giống như một làn sương mù cuốn quanh ngọn đèn đường", nhưng hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao lại có khoảng trống khổng lồ ở giữa đám mây. Nếu nhìn theo cách làm một bộ phim khoa học viễn tưởng thì chúng ta có thể nói đó là một điểm xuất phát hoàn hảo để người ngoài hành tinh đi qua, một vị trí lý tưởng cho một cánh cổng dẫn đến một vũ trụ khác.

Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 2

Cận cảnh tinh vân NGC 1999 (Ảnh: ESA/Hubble&Nasa, ESO, K.Noll).

Năm 1999, hình ảnh tương tự đã được Hubble chụp. Sau đó hình ảnh này còn tiếp tục được theo dõi và chụp lại bằng các kính thiên văn của Đài quan sát không gian Herschel của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu). Bức ảnh mới nhất lần này và câu chuyện đằng sau nó thực sự là một phát hiện đáng ghi nhận của các chuyên gia.

Kính viễn vọng Hubble đã chụp ảnh các ngôi sao và thiên hà xung quanh chúng ta suốt hơn 30 năm qua và vẫn đang tiếp tục công việc đáng nể của nó.

Gần đây, chúng ta đã được chiêm ngưỡng bức ảnh cận cảnh tuyệt đẹp của tinh vân Lạp Hộ và một bức ảnh của một thiên hà kỳ lạ được tạo ra bằng thấu kính trọng trường.

Tất nhiên những bức ảnh không chỉ đơn thuần là ảnh đẹp mà còn giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về vũ trụ, cho dù là khám phá các tiểu hành tinh mới hay dự đoán cái chết của Mặt Trời.

Chiêm ngưỡng thêm một số bức ảnh khác do Hubble chụp lại các tinh vân trong vũ trụ.

Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 3
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 4
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 5
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 6
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 7
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 8
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 9
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 10
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 11
Khám phá lỗ khóa mở cánh cửa bước sang một vũ trụ khác - 12