1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Khám phá 10 phát minh thú vị của người Ai Cập cổ đại (phần 2)

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Khi nhắc đến Ai Cập cổ đại, chúng ta nghĩ ngay về những kim tự tháp, hay những tượng Nhân sư nổi tiếng. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần di sản của nền văn minh này.

Trải qua hàng nghìn năm, người Ai Cập cổ đại đã phát triển mạnh mẽ, mở ra một nền văn minh cổ đại tiên tiến nhất mà thế giới từng ghi nhận. Họ cũng được biết đến với tư cách là những nhà phát minh đại tài, với thành tựu đã thay đổi mọi thứ từ thời trang đến nông nghiệp, đến nỗi ngày nay, chúng ta vẫn thấy được sự ảnh hưởng của họ.

Đây là bài viết tiếp theo của Phần 1, đã được Dân trí đăng tải trước đó.

6. Sử dụng bạc hà để che đi hơi thở

Khám phá 10 phát minh thú vị của người Ai Cập cổ đại (phần 2) - 1

Ngày nay, các loại kẹo cao su, nước súc miệng bạc hà đã trở nên vô cùng phổ biến, giúp che đi hơi thở khó chịu của chúng ta.

Cũng giống như thời hiện đại, hôi miệng ở Ai Cập cổ đại thường là một triệu chứng của sức khỏe răng miệng kém. Điều khác biệt là họ gần như không có cách để chữa trị tình trạng này, mà chỉ có thể "sống chung" với nó.

Để đối phó với mùi khó chịu từ miệng, người Ai Cập đã phát minh ra bạc hà kết hợp cùng trầm hương và quế đun sôi với mật ong và tạo thành những viên nhỏ.

7. Bowling

Khám phá 10 phát minh thú vị của người Ai Cập cổ đại (phần 2) - 2

Quả bóng bowling và đường băng được phát hiện trong các ngôi mộ cổ ở Ai Cập (Ảnh: Ancientpages).

Tại Narmoutheos, một khu định cư cách Cairo 90 km về phía Nam có từ thời La Mã chiếm đóng vào thế kỷ thứ 2 và thứ 3 sau Công nguyên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một căn phòng chứa một loạt các làn đường và một bộ sưu tập các quả bóng với nhiều kích cỡ khác nhau.

Đây được xem là tiền thân của bộ môn Bowling thời hiện đại, với cách chơi tương tự là lăn bóng trên các đường băng.

Tuy nhiên, thay vì cố gắng xô đổ các vật thể xếp ở cuối (gọi là pin), người Ai Cập cổ đại sẽ tìm cách để đưa trái bóng xuống một lỗ nhỏ.

8. Cạo râu, cắt tóc

Khám phá 10 phát minh thú vị của người Ai Cập cổ đại (phần 2) - 3

Những bộ râu tựa như bức tượng Rameses II ở Đền thờ Hator này là râu giả, và rất phổ biến ở Ai Cập cổ đại. Trên thực tế, họ sẽ cạo sạch râu vì luôn cảm thấy khó chịu (Ảnh: Gettyimages).

Nhiều tài liệu khẳng định người Ai Cập là những người cổ đại đầu tiên "đụng tới" mái tóc của họ. Có lẽ, cái nóng oi ả tại đây khiến những người để tóc dài và để râu cảm thấy khó chịu.

Vì vậy, họ thường xuyên cắt tóc ngắn hoặc cạo trọc đầu và râu ria một cách thường xuyên. Các thầy tu, những người dường như đặc biệt không thích rậm lông, thì cứ 3 ngày một lần lại cạo lông toàn thân.

Trong phần lớn lịch sử của người Ai Cập cổ đại, cạo râu sạch sẽ được coi là mốt, và râu ria xồm xoàm trái lại, là dấu hiệu của địa vị xã hội thấp kém.

Để đạt được mục tiêu đó, người Ai Cập đã phát minh ra những dụng cụ cạo râu đầu tiên, gồm một bộ lưỡi dao bằng đá sắc bén đặt trong tay cầm bằng gỗ. Sau đó, họ thay thế chúng bằng dao cạo lưỡi đồng. Họ cũng phát minh ra nghề cắt tóc.

9. Khóa cửa

Khám phá 10 phát minh thú vị của người Ai Cập cổ đại (phần 2) - 4

Một bản sao của thiết kế chiếc khóa cửa thời Ai Cập cổ đại. Chốt rỗng và chìa khóa gỗ được lắp vào nó. Các chốt kim loại ở cuối chìa khóa đi qua các lỗ ở mặt trên của chốt. Khi đã vào đúng vị trí, các ghim sẽ nâng các chốt, khiến nó nhấc ra khỏi các lỗ, trượt sang một bên và cửa sẽ mở ra (Ảnh: Gettyimages).

Cơ chế an ninh cổ điển nhất gồm chiếc khóa và chìa khóa chính là do người Ai Cập cổ đại phát minh ra vào khoảng năm 4000 trước Công nguyên.

Về cơ bản, nó là một ổ khóa có chốt. Trong đó, một chốt trống cho phép đưa chìa vào để thao tác bằng cách cắm chìa khóa. Khi chìa khóa đẩy lên trên các chốt, chúng sẽ trượt khỏi trục bu lông, cho phép mở khóa.

Một nhược điểm của những ổ khóa cổ này là chúng kích thước quá lớn, dài xấp xỉ khoảng 0,6 mét. Sau này, người La Mã đã cải tiến ổ khóa, giúp chúng có thiết kế đơn giản hơn với lò xo thay vì chốt để cố định.

10. Kem đánh răng

Khám phá 10 phát minh thú vị của người Ai Cập cổ đại (phần 2) - 5

Người Ai Cập cổ đại đi tiên phong về chăm sóc răng miệng.

Như đã đề cập, người Ai Cập cổ đại gặp khá nhiều vấn đề với răng miệng, một phần do bánh mì của họ có nhiều sạn và cát, gây mòn men răng.

Thế nên giữ gìn vệ sinh răng miệng được xem là yếu tố vô cùng quan trọng. Các nhà khảo cổ thậm chí đã tìm thấy tăm xỉa răng cùng với bàn chải đánh răng được chôn cùng với xác ướp.

Họ cũng đóng góp một phát kiến về vệ sinh răng miệng, dưới dạng kem đánh răng. Các thành phần ban đầu bao gồm bột móng bò, tro, vỏ trứng đốt cháy và đá bọt.