Khái niệm lực đẩy cấp tiến của NASA sẽ mang vũ trụ đến với nhân loại?

Minh Khôi

(Dân trí) - Thay vì cách phóng tên lửa truyền thống dựa trên nhiên liệu hóa học, NASA đang nghiên cứu một phương pháp mới có khả năng rút ngắn thời gian hoàn thành sứ mệnh một cách đáng kể.

Khái niệm lực đẩy cấp tiến của NASA sẽ mang vũ trụ đến với nhân loại? - 1

Tàu vũ trụ Voyager-2 được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA, vào ngày 20/8/1977 (Ảnh: NASA/JPL).

Như chúng ta đã biết, thời gian chính là kẻ thù lớn nhất của nhân loại. Nó không chỉ khiến chúng ta mất nhiều công sức hơn để hoàn thành công việc, mà còn hạn chế khả năng đạt được những thành tựu đột phá.

Điển hình như tàu vũ trụ Voyager-1 của NASA phải mất tới 35 năm để có thể di chuyển tới điểm giới hạn của Hệ Mặt Trời. Một hệ thống mới được NASA giới thiệu có thể mang đến bước ngoặt, khi cho phép chúng ta làm điều này trong vòng chưa đầy 5 năm.

Khái niệm này được gọi là lực đẩy cấp tiến, hoạt động dưới dạng những chùm hạt phóng ra từ động cơ. Nó đã được NASA tài trợ trong giai đoạn đầu, trị giá 175.000 USD, và phát triển từ đầu năm nay.

Theo Artur Davoyan, kỹ sư hàng không vũ trụ tại Đại học California, đề xuất này xem xét một kiến trúc phóng thế hệ mới, có thể vận chuyển nhanh các trọng tải nặng (cỡ 1 tấn trở lên) rời khỏi Hệ Mặt Trời và khoảng không gian giữa các vì sao.

Sự đột phá mà phương pháp này mang lại đó là đẩy nhanh tốc độ di chuyển của tên lửa, điều mà các tên lửa truyền thống (chạy bằng nhiên liệu hóa học) không thể.

Khái niệm lực đẩy cấp tiến của NASA sẽ mang vũ trụ đến với nhân loại? - 2

Hình minh họa về cách thức hoạt động của hệ thống phóng dưới dạng chùm hạt (Ảnh: Artur Davoyan).

Để hoạt động, hệ thống phóng cần có 2 tàu vũ trụ, với một chiếc đóng vai trò khởi hành vào không gian, và một di chuyển ở quỹ đạo quanh Trái Đất.

Ban đầu, tàu vũ trụ quay quanh Trái Đất sẽ bắn một chùm hạt cực nhỏ về phía tàu còn lại. Những hạt này sẽ được đốt nóng bằng tia laze, làm cho một phần của chúng bị tan chảy thành plasma. Quá trình này cũng làm tăng tốc các hạt hơn nữa, khiến chúng có thể đạt tới tốc độ 120 km/giây.

Những hạt di chuyển cực nhanh này sau đó va vào cánh gió của tàu vũ trụ thứ 2, hoặc thúc đẩy nam châm chứa bên trong nó, giúp bản thân con tàu đạt tới tốc độ cực lớn, để lao vút ra khỏi nhật quyển của chúng ta

Phương pháp phóng tàu độc đáo này đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học lượng tử. Nhóm nghiên cứu của dự án cũng khẳng định nếu như được làm đúng cách, con người có thể tiếp cận các hành tinh bên trong Hệ Mặt Trời trong vòng chưa đầy 1 năm, và rời khỏi Hệ Mặt Trời trong chưa đầy 5 năm.

Được biết, đây chỉ là 1 trong 14 dự án được tài trợ ở giai đoạn đầu bởi NASA, mang đến khả năng chinh phục không gian của nhân loại. Ở bước tiếp theo, các nhà khoa học sẽ phải đưa ra bằng chứng về tính thực thi của khái niệm bằng cách áp dụng các thử nghiệm mô phỏng.

Và tới lúc đó, chúng ta mới biết được rằng khái niệm mới này có thực sự mang đến bước ngoặt cho nhân loại, hay đơn thuần chỉ là một giả thuyết mà thôi.