Khác biệt về gen giúp người Tây Tạng tồn tại được trên các vùng núi cao

(Dân trí) - Với độ cao trung bình 4.500 m so với mực nước biển, làm thế nào để người Tây Tạng có thể duy trì sự sống và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử? Câu trả lời một phần nào đó tới từ sự khác biệt trong gen của những con người trên cao nguyên Tây Tạng.

Ở những nơi có độ cao lớn so với mực nước biển, hai yếu tố khiến cho sự tồn tại của con người trở lên khó khăn bội phần là: không khí loãng dần đi và bức xạ tia cực tím nhiều hơn. Cao nguyên Tây Tạng là một nơi như thế khi được mệnh danh là “Nóc nhà của thế giới” với độ cao trung bình hơn 4.500 m. Nhưng người Tây Tạng đã tồn tại ở đó từ hàng nghìn năm trước và tạo nên một nền văn hóa rực rỡ. Vậy làm thế nào để họ duy trì được sự sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy?

Người dân trên cao nguyên Tây Tạng (nguồn: ABC)
Người dân trên cao nguyên Tây Tạng (nguồn: ABC)

Trong một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Proceedings of National Academy of Sciences (Mỹ), nhóm các nhà khoa học Australia và Trung Quốc đã phát hiện ra rằng sự khác biệt về gen của người Tây Tạng chính là nguyên nhân giúp họ tồn tại được như vậy.

Để nghiên cứu vấn đề này, các nhà khoa học đã so sánh mẫu gen của 3008 người bản địa với 7287 mẫu gen của những người sống ở độ cao thấp hơn. Họ đã phát hiện ra 9 gen khác biệt trong mẫu gen của hai nhóm trên. Trong đó 2 gen EPAS1 và ELGN1 đã được phát hiện trước đó và được coi là 2 gen quan trọng giúp làm tăng lượng ôxy trong máu. Ngoài ra các nhà khoa học còn phát hiện thêm gen ADH7 – giúp cơ thể sống sót khi thiếu ăn; MTHFR – hỗ trợ cơ thể khi lượng chất dinh dưỡng ở mức thấp bằng cách sản sinh ra folate, điều rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Và cuối cùng là loại gen HLA-DBQ1 giúp điều chỉnh lượng protein cần thiết cho hệ miễn dịch. Điều này giúp cơ thể ít bị bệnh hơn và tăng cường khả năng chống chịu.

Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn tìm thêm được 4 loại gen khác nhưng vai trò của chúng ra sao trong việc giúp người Tây Tạng tồn tại được còn chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, dữ liệu về đặc tính di truyền cũng giúp tìm ra thời gian người Tây Tạng tách ra khỏi cộng đồng người Hán vào khoảng 4.725 năm trước, sớm hơn 2.000 năm so với các nghiên cứu trước đó.

Huế Viên (Theo Phys)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm