Insulin “không chích”: Thành quả của công nghệ sinh học
(Dân trí) - Trong 5 nhóm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, insulin là thuốc cơ bản và tốt nhất. Nhưng “tài thường kèm tai”, chích insulin là phương cách điều trị phức tạp và rắc rối: gây đau đớn, khó sử dụng, khó bảo quản và nhiều tai biến.
Trước những phiền hà, rắc rối khi phải chích insulin, nhiều nhà khoa học và hãng dược phẩm đã đầu tư nghiên cứu cải tiến đưa ra thị trường những dạng thuốc insulin “không chích”, và đã có một số kết quả khích lệ ban đầu.
Các thuốc điều trị đái tháo đường
Đái tháo đường là tình trạng tăng đường máu bệnh lý mãn tính do thiếu hóc-môn insulin vì tế bào bê-ta tuyến tụy hư hại hoặc do insulin hoạt động không hiệu quả vì bị tình trạng kháng insulin. Để khắc phục, hiện nay chúng ta có 5 nhóm thuốc đái tháo đường:
* Nhóm 1. Hóc-môn insulin. Đây là thuốc cơ bản nhất, thuốc chính dùng cho đái tháo đường thể 1, các trường hợp cấp cứu, cho ĐTĐ thai nghén và các thể riêng biệt khác.
* Nhóm 2. Là các thuốc kích thích tế bào gia tăng chế tiết insulin. Hai họ thuốc nhóm này là sulfamid đái tháo đường (sulfunyl urea) và các glinid.
* Nhóm 3. Thuốc chống kháng insulin (insulin resistance). Hai họ thuốc nhóm này là biguanid và glitazone.
* Nhóm 4. Thuốc ức chế enzyme glucosidase, là enzyme chính để tiêu hóa chất carbohydrate (đường bột).
* Nhóm 5. Thuốc ức chế men dipeptidyl peptidase 4 (DPP-4); thuốc sẽ làm tăng incretin (GLP-1 và GIP).
Những loại insulin “không cần chích”
Trên góc độ dược lý lâm sàng thì việc dùng insulin là tối ưu, phù hợp sinh học nhất và gần như không có tác dụng độc tính cho người bệnh, nhất là khi được sử dụng các insulin analog hiện đại sản xuất từ công nghệ gen (gen engineering). Nhưng kèm theo đó chích insulin kéo theo nhiều vấn đề bất tiện và khó chịu cho bệnh nhân: bị đau đớn; bị teo, viêm da cơ vùng chích thuốc; chế độ chích thuốc dĩ nhiên là khó chịu hơn là dùng thuốc đường uống; hơn nữa chích insulin bao giờ cũng phải tốn thời gian, mất công sức và cuối cùng lọ thuốc insulin chích bao giờ cũng khó bảo quản hơn so với các loại thuốc viên.
Trước những phiền hà, khó chịu khi dùng insulin chích nhiều nhà khoa học và hãng dược phẩm đã đầu tư nghiên cứu cải tiến, bước đầu đã có một số kết quả khích lệ: Trước đây insulin được chiết từ tụy tạng của heo, bò với độ tinh khiết không cao nên có nhiều phản ứng phụ không mong muốn nhưng ngày nay với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bực, đặc biệt sự ra đời của công nghệ gien (gene engineering) nhiều hãng dược phẩm đã sản xuất được insulin chất lượng rất tốt, hoàn toàn tinh khiết, không lẫn tạp chất lại giống hệt 100% như insulin “người” nên loại insulin này hoàn toàn dung nạp tốt, tương thích tốt cho tất cả mọi bệnh nhân. Ngay cả cách chích insulin cũng được cải tiến, theo phác đồ kinh điển insulin phải được chích đến 4 mũi mỗi ngày (3 mũi nhanh và 1 mũi chậm) rất phiền phức, đau đớn cho bệnh nhân, dạng insulin hỗn hợp (mixtard insulin ) mới cho phép rút lại chỉ còn 2 hoặc 1 lần chích trong ngày, bơm insulin liên tục, cấy ghép tế bào bê-ta, cấy ghép tụy tạng.
Đặc biệt hơn, đã có nhiều dạng “insulin không chích” (non-injectable insulins) ra đời như: insulin dán trên da, insulin hít qua mũi và insulin xịt vào vòm miệng và insulin viên uống.
* Insulin dạng hít
Thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng hít insulin trước các bữa ăn có thể đạt hiệu quả giống như tiêm insulin nhanh.
Hai nhược điểm lớn của insulin hít là: (1) thời gian tác dụng ngắn nên người bệnh hoặc phải dùng nhiều lần trong ngày hoặc vẫn phải dùng phối hợp với các dạng insulin tiêm tác dụng chậm hoặc bán chậm khác để đủ liều điều trị, đảm bảo ổn định nồng độ insulin nền để kiểm soát tốt đường máu, và (2) độ hấp thu insulin dạng hít không thật sự ổn định như dạng chích.
* Insulin dán
Nguyên lý là insulin trong miếng dán sẽ được thấm qua da vào cơ thể. Nhược điểm lớn nhất là da hấp thu rất kém những phân tử protein polypeptides có kích thước khá lớn như phân tử hóc-môn insulin. Để khắc phục trở ngại này, các nhà nghiên cứu đã cố gắng phát triển các phương pháp giúp insulin ngấm qua da tốt hơn như sử dụng siêu âm hoặc dòng điện, hoặc hóa chất để dẫn nhưng kết quả đang còn “chờ đợi”….
* Insulin viên
Các nhà khoa học đang nghiên cứu dạng thuốc insulin uống bằng công nghệ sản xuất thuốc uống thông thường. Viên thuốc được phủ bởi lớp polymer có tác dụng bảo vệ để không bị tiêu hóa bởi các enzymes dạ dày (enteric coated), chỉ khi đến ruột cái áo bọc sẽ tan ra từ từ giải phóng các phân tử insulin để được ruột hấp thụ. Các nghiên cứu đang tập trung làm sao tăng khả năng bám dính và tăng tính thấm của lớp niêm mạc thành ruột.
* Bơm insulin
Cung cấp insulin nhanh trong cả ngày thông qua một ống thông đặt dưới da. Liều insulin gồm ba phần: (1) Liều cơ căn bản, cung cấp insulin liên tục trong 24 giờ, để giữ mức đường trong máu giữa các bữa ăn và qua đêm, (2) Liều bolus để chính glucose theo lượng carbohydrate trong bữa ăn, và (3) Liều chỉnh hoặc bổ sung. Để bổ sung trong trường hợp nồng độ glucose trong máu cao trước khi ăn, để đưa nó trở lại phạm vi mục tiêu.
* Tụy nhân tạo
Tụy nhân tạo sử dụng công nghệ để chế tiết insulin theo cách tuyến tụy bình thường, để đáp ứng với việc thay đổi lượng đường trong máu.
Có ba hệ thống tụy nhân tạo chính được nghiên cứu là: Tụy nhân tạo vòng kín (closed-loop artificial pancreas), Tụy phỏng sinh học (bionic pancreas) và Tụy nhân tạo cấy ghép (implanted artificial pancreas).
* Ghép tụy
Hầu hết các ca ghép tụy tạng được thực hiện để điều trị bệnh đái tháo đường týp 1. Dù ghép tụy là cách điều trị đái tháo đường rất hiệu quả, nhưng thường chỉ được áp dụng cho những trường hợp phức tạp, có biến chứng vì các phản ứng phụ của phẫu thuật ghép tụy tương đối khá nặng nề.
Thay lời kết
Theo cơ chế bệnh sinh, đái tháo đường chủ yếu là do không có hoặc thiếu insulin cần thiết để kiểm soát đường huyết ổn định. Trong 5 nhóm thuốc đái tháo đường, insulin là cơ bản và hợp lý nhất. Rủi thay, việc sử dụng insulin cũng là rắc rối, phức tạp nhất: chích đau, liều lượng tuyệt đối chính xác, bảo quản khó khăn, nhiều tác dụng không mong muốn…Do đó, insulin “không chích” vừa là đích đến của các nhà khoa học vừa là mong đợi của tất cả bệnh nhân đái tháo đường.
Với sự tiến bộ khoa học vũ bão, đặc biệt công nghệ di truyền và phỏng sinh học, chúng ta có quyền hy vọng một ngày không xa nữa tất cả bệnh nhân đái tháo đường đủ các thể loại đều sẽ được dùng insulin trong ngày bằng đường “không chích” rất phù hợp sinh học, gần như không có tác dụng phụ nào, dĩ nhiên là không đau đớn gì cả vì chẳng cần biết đến cây kim tiêm ống chích như trước đây.
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM