Húc đổ tung cổng Dinh Độc Lập, xe tăng T-59 thiện chiến ra sao?

Minh Khôi

(Dân trí) - Ngày 30/4/1975, chiếc tăng T-59 số hiệu 390 của Trung đoàn thiết giáp 203 húc tung cổng chính, tiến vào dinh Độc Lập, ghi dấu ấn kết thúc cuộc chiến tranh thống nhất đất nước kéo dài hơn 20 năm.

Hai chiếc xe tăng đâm cổng, chỉ 1 chiếc thành công

Húc đổ tung cổng Dinh Độc Lập, xe tăng T-59 thiện chiến ra sao? - 1

Xe tăng T-59 mang số hiệu "390" húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Life

Trưa ngày 30/4/1975, dẫn đầu đội hình xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập là hai chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu "843" và T-59 mang số hiệu "390".

Cả hai chiếc xe tăng này đều đã lần lượt húc đổ cổng phụ và cổng chính tại trung tâm đầu não cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn, đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến phi nghĩa chia cắt dân tộc Việt Nam suốt 20 năm.

Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài, đã xảy ra tranh cãi rằng đâu mới là chiếc xe tăng đầu tiên có được vinh dự húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập, và tiến vào tới giữa sân, tạo nên một trong những khoảnh khắc truyền cảm hứng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Mãi đến sau này, nhờ bức ảnh tư liệu quý giá của nữ nhà báo Francoise Demulder (Pháp) công bố vào năm 1995, thì chiến công của chiếc xe tăng "390" do trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy mới được công nhận.

Những bức ảnh cho thấy dù là chiếc xe đầu tiên tiến vào khu vực cổng chính của Dinh Độc Lập, tuy nhiên xe tăng "843" lại bị kẹt ở cổng phụ và không thể di chuyển tiếp. Ngay lập tức, xe tăng "390" đã nhanh chóng tiến vào húc tung cổng chính của dinh thay cho người đồng đội của mình. 

Nguồn gốc chiếc xe tăng "huyền thoại" 

Húc đổ tung cổng Dinh Độc Lập, xe tăng T-59 thiện chiến ra sao? - 2

Một bản sao của xe tăng "390" được trưng bày tại Dinh Độc Lập bên cạnh chiếc "843" cũng là bản sao. Trong khi các bản chính của hai chiếc xe tăng này đang được lưu giữ ở Bảo tàng Tăng - Thiết giáp. Nguồn ảnh: Nissa Rhee

Xe tăng mang số hiệu 390 là một trong những mẫu xe tăng T-59 được Trung Quốc viện trợ cho nước ta trong giai cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, và hoạt động bên cạnh những chiếc xe tăng T-54/55 do Liên Xô chế tạo. Đây cũng là bộ đôi xe tăng chủ lực của quân đội ta khi đó.

Theo các tài liệu quân sự, xe tăng T-59 thực chất là một biến thể nội địa hóa của dòng xe tăng T-54A của Liên Xô trước đây, được Trung Quốc chế tạo và thử nghiệm trong năm 1958 trước khi nó được đưa vào trang bị chính thức trong năm 1959.  

Theo thống kê, có khoảng 9.500 chiếc T-59 được chế tạo trong giai đoạn từ 1958-1980. Đến nay, các mẫu T-54/55 và T-59 vẫn là lực lượng nòng cốt trong lực lượng tăng thiết giáp của quân đội ta, bên cạnh một số dòng xe tăng khác. 

Bản thân cả hai dòng xe tăng này hiện nay cũng đang được ta nghiên cứu nâng cấp lên biến thể hiện đại hóa T-55M3, nhằm cải thiện khả năng chiến đấu của chúng.

Húc đổ tung cổng Dinh Độc Lập, xe tăng T-59 thiện chiến ra sao? - 3

Xe tăng "390" húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Ảnh: toquoc.vn

Hiện tại trên thế giới vẫn có ít nhất 10 quốc gia sử dụng T-59, hầu hết trong số đó đều là các biến thể nguyên mẫu với pháo 100mm hoặc các biến thể nâng cấp T-69/79 hay T-59G. Bản thân Quân đội Trung Quốc cũng vẫn đang biên chế T-59 với các biến thể pháo 105mm. 

Vì sao xe tăng T-59 có thể dễ dàng húc đổ cổng Dinh Độc Lập?

T-59 ban đầu sử dụng pháo 100mm như T-54, sau đó một vài phiên bản nâng cấp lại sử dụng pháo 105mm. Với hiệu quả của pháo 105mm trên T-59, các biến thể tiếp theo của dòng xe tăng này đều được tiêu chuẩn hóa với mẫu pháo chính mới. Đây có thể được xem là nâng cấp sáng nhất của T-59 trong giai đoạn từ đầu những năm 1980. 

Bên cạnh nòng pháo chính, xe tăng T-59 phiên bản đầu còn được trang bị 2 súng máy đồng trục 7.62 mm, 1 súng máy phòng không 12.7 mm.

Húc đổ tung cổng Dinh Độc Lập, xe tăng T-59 thiện chiến ra sao? - 4

Một chiếc xe tăng T-59 tại triển lãm quân sự quốc tế năm 2010. Ảnh: Wikipedia

Sau này, mẫu xe tăng được nâng cấp thêm đèn hồng ngoại - cho phép quan sát trong đêm, và hệ thống ổn định nòng súng chính - giúp tăng độ chính xác khi ngắm bắn. 

Các phiên bản hiện đại cũng cho phép xe tăng có thể vừa chạy vừa bắn nhưng chỉ khi xe chạy với tốc độ vừa phải vì càng chạy nhanh độ chuẩn xác càng kém.

Điều đáng chú ý là xe không có con lăn để lăn ngược trở lại. Do đó một khi mắc kẹt do địa hình, xe tăng T-59 rất khó để xoay trở.

Xe tăng sử dụng cơ diesel V-12 Model 12150L có công suất cực đại 520 mã lực (tương đương 390 kW), có thể chứa 815 lít nhiên liệu, nặng 36 tấn, và di chuyển với vận tốc tối đa 50 km/h. 

Với sức mạnh này, không quá khó hiểu khi xe tăng T-59 có thể dễ dàng tăng tốc để húc đổ cổng Dinh Độc Lập mà không cần tốn bất kỳ một viên đạn nào.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, T-59 càng được phát triển thành nhiều biến thể khác nhau với ít nhất 8 biến thể mới bên cạnh các biến thể T-59 II và T-59D. Trong giai đoạn này T-59 cũng bắt đầu thay đổi thiết kế với việc được trang bị thêm hệ thống phòng vệ với giáp phản ứng nổ ở các vị trí yếu nhất của xe.

Một trong số đó là vị trí chứa đạn dự trữ nằm bên trong tháp pháo. Khu vực này gây nguy hiểm vì khi bị đối phương bắn trúng, sẽ dễ dàng gây ra một vụ nổ lớn, làm ảnh hưởng tới tính mạng của toàn bộ kíp lái. 

Đến năm 2012, cả hai chiếc xe tăng huyền thoại "390" và "843" được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, nhằm xác thực chính xác về chiến công của hai chiếc xe tăng đặc biệt này. Và chúng sẽ mãi mãi là minh chứng cho một thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm