Hôm nay, Nhật Bản hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhật Bản đứng trước cơ hội trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng với sứ mệnh SLIM diễn ra tối 19/1.

Hôm nay, Nhật Bản hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt Trăng - 1

Tên lửa H-IIA mang theo tàu vũ trụ SLIM được phóng tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima, đảo Tanegashima, tây nam Nhật Bản ngày 7/9/2023 (Ảnh: Reuters).

Tàu thăm dò Mặt Trăng mang tên SLIM của Nhật Bản sẽ bắt đầu giai đoạn hạ cánh kéo dài 20 phút trong một sứ mệnh lịch sử, diễn ra vào lúc 22:20 tối nay (theo giờ Việt Nam).

Theo Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), tàu SLIM sẽ hạ cánh xuống một địa điểm từng là miệng núi lửa ở phía nam đường xích đạo, với phạm vi bán kính sai số chỉ là 100 mét.

Được mệnh danh là "kẻ bắn tỉa Mặt Trăng", mục tiêu số 1 mà sứ mệnh SLIM hướng đến là sự chính xác trong khâu hạ cánh. Tàu cũng mang theo những công nghệ cần thiết trong việc tìm kiếm nguồn nước trên Mặt Trăng và đánh giá khả năng sinh sống của con người tại nơi đây.

Ông Shinichiro Sakai, Giám đốc dự án SLIM, cho biết: "Chưa một quốc gia nào đạt được điều này. Việc chứng minh rằng Nhật Bản có công nghệ hiện đại giúp hạ cánh chính xác và đánh giá sự sống trên Mặt Trăng sẽ mang lại cho chúng tôi lợi thế rất lớn trong các sứ mệnh quốc tế sắp tới".

Vì sao gọi đây là sứ mệnh hạ cánh chính xác

Hôm nay, Nhật Bản hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt Trăng - 2

Hình ảnh mô phỏng tàu vũ trụ SLIM của Nhật Bản (Ảnh: JAXA).

Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, dự án SLIM là nỗ lực hạ cánh lên mặt trăng thứ 2 của JAXA. Trước đó, một sự cố dẫn tới mất liên lạc với tàu đổ bộ OMOTENASHI đã xảy ra vào năm 2022.

Tàu SLIM được thiết kế để hạ cánh cách mục tiêu trong phạm vi 100 mét. Đây là một con số ấn tượng, vì độ chính xác thông thường đối với một tàu đổ bộ Mặt Trăng là khoảng vài km.

Để làm điều này, tàu thăm dò sử dụng một hệ thống thông minh, có thể kết hợp hình ảnh của camera hành trình với các bức ảnh vệ tinh hiện có về bề mặt Mặt Trăng, từ đó phân tích và lựa chọn điểm hạ cánh thích hợp.

JAXA cho biết khả năng điều hướng dựa trên tầm nhìn này cho phép tàu hạ cánh xuống chính xác tại điểm mà họ đã lên kế hoạch từ trước.

Bằng cách giới hạn phạm vi hạ cánh, tàu SLIM sẽ hạn chế được những rủi ro không mong muốn có thể xảy đến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Được biết, quá trình hạ cánh thường đóng vai trò quyết định của một sứ mệnh không gian, và cũng là giai đoạn thường xảy ra sự cố nhất.

Kỳ tích chờ đợi người Nhật

Tháng 8/2023, tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện chuyến hạ cánh lịch sử xuống cực nam của Mặt Trăng. Đây được xem là cột mốc đánh dấu sự trỗi dậy của Ấn Độ như một quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong hành trình khám phá không gian của nhân loại.

Giờ đây, Nhật Bản sẽ đứng trước ngưỡng cửa để làm điều tương tự.

Ông Kazuto Saiki, Giáo sư Đại học Ritsumeikan, người phát triển camera cận hồng ngoại của SLIM, cho biết: "Nhật Bản không thể đánh bại Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ về nguồn lực".

"Thế nhưng, chúng tôi có thế mạnh về công nghệ", ông khẳng định. "Nhật Bản sẽ tập trung vào việc xây dựng các công nghệ được săn đón như camera hỗ trợ hạ cánh chính xác hay hệ thống phân tích thông minh. Đây sẽ là những công nghệ giúp ích rất nhiều cho các dự án không gian".

Hôm nay, Nhật Bản hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt Trăng - 3

Địa điểm hạ cánh trên Mặt Trăng của tàu SLIM (3) so với các sứ mệnh Apollo 11 (2) và Chandrayaan-3 (4).

Ông Bleddyn Bowen, Phó Giáo sư chính sách không gian của Đại học Leicester, cũng đánh giá cao năng lực của Nhật Bản, dù họ chưa từng thực hiện sứ mệnh hạ cánh lên Mặt Trăng.

"Sai sót có thể xảy ra, nhưng Nhật Bản là một cường quốc không gian rất giàu kinh nghiệm. Nước này đã tiến hành các hoạt động không gian rất phức tạp trong nhiều năm", ông Bowen cho biết.

"Không lớn mạnh như Mỹ, Liên Xô cũ hay Trung Quốc ngày nay nếu xét về quy mô, nhưng về năng lực và công nghệ tiên tiến thích hợp, Nhật Bản luôn đứng đầu".

Ông Bowen khẳng định sứ mệnh hạ cánh chính xác của tàu SLIM sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi, nhưng việc trình diễn nó thành công sẽ mang lại lợi thế lớn cho Nhật Bản trong các hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, việc sản xuất tàu thăm dò hạng nhẹ như mô hình mà Nhật Bản đang theo đuổi có thể mở ra một kỷ nguyên mới, nơi các chuyến bay lên Mặt Trăng diễn ra thường xuyên hơn nhờ giảm bớt chi phí cho mỗi sứ mệnh.

Được biết, tàu SLIM chỉ nặng 700 kg tại thời điểm phóng, chưa bằng một nửa so với tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các sứ mệnh Mặt Trăng được thực hiện gần đây, như Luna 15 (1.750 kg) hay Peregrine (1.283 kg).

Theo thống kê năm 2022 của SpaceX, chi phí trung bình cho 1 kg trọng tải khi đưa vào không gian có thể lên tới 54.500 USD.

Con số này bao gồm các biện pháp kỹ thuật phức tạp được sử dụng, cũng như các vật liệu đắt tiền cần thiết để chế tạo tên lửa, nhằm thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất. Về cơ bản, tải trọng càng thấp, thì chi phí của một sứ mệnh cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, tất cả những yếu tố này sẽ trở nên vô nghĩa nếu như tàu SLIM không thể vượt qua thử thách trước mắt, là hạ cánh thành công lên Mặt Trăng.

Hôm nay, Nhật Bản hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt Trăng - 4

Nhật Bản đứng trước cơ hội trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng (Ảnh minh họa).

JAXA đã từng 2 lần hạ cánh xuống các tiểu hành tinh cỡ nhỏ, nhưng việc hạ cánh xuống Mặt Trăng sẽ khó khăn hơn rất nhiều do ảnh hưởng từ lực hấp dẫn.

Năm 2023, các sứ mệnh Mặt Trăng từ Nga và công ty khởi nghiệp ispace của Nhật Bản đều đã thất bại trong những khâu cuối cùng, và kết thúc bằng việc tàu vũ trụ đâm xuống Mặt Trăng.

Trước đó, JAXA cũng từng tự tay phá hủy mẫu tên lửa chủ lực H3 ngay sau khi phóng do sự cố ở phần động cơ vào tháng 3/2023. Năm 2022, JAXA cũng thất bại trong việc phóng tên lửa Epsilon.

JAXA cho biết sẽ mất khoảng 1 tháng để xác định xem liệu SLIM có đạt được mục tiêu sau khi hạ cánh hay không.

Sau khi hạ cánh, SLIM cũng sẽ ngay lập tức triển khai 2 rover thăm dò nhỏ với những nhiệm vụ riêng biệt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm