1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bình Định:

Học sinh sáng tạo “máy bóc vỏ dừa” thay sức người

(Dân trí) - Nhìn cảnh cha mẹ và những người dân quê mình bóc vỏ dừa cực khổ, nhóm học sinh ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) mày mò chế tạo ra máy bóc vỏ dừa hữu ích, giúp nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế trong các hộ trồng dừa ở quê nhà.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn (trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long trao Bằng khen và Kỷ niệm chương cho nhóm tác giả đạt giải Nhất cuộc thi.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn (trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long trao Bằng khen và Kỷ niệm chương cho nhóm tác giả đạt giải Nhất cuộc thi.

Ngày 30/8, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định phối hợp tổ chức lễ tổng kết trao giải của cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng” lần thứ 5 năm 2018.

Sau 5 năm triển khai, cuộc thi đã lan tỏa thành công niềm đam mê sáng tạo, rèn luyện kỹ năng, xây dựng ý thức tốt đẹp cho hàng ngàn học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi lần này đã chọn vào vòng chung khảo 53 ý tưởng, giải pháp tốt nhất về các lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, điện, điện tử, sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

2 nhóm thí thi sinh đạt giải Nhất cuộc thi giao lưu tại buổi lễ.
2 nhóm thí thi sinh đạt giải Nhất cuộc thi giao lưu tại buổi lễ.

Trong cuộc thi lần này, có rất nhiều giải pháp, sản phẩm sáng tạo có giá trị thực tiễn cao đã được các em thí sinh thực hiện. Đặc biệt phải kể đến sản phẩm “Máy bóc vỏ dừa” của nhóm tác giả Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh (lớp 8A1, Trường THCS Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) giúp nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế trong các hộ trồng dừa.

Chia sẻ tại chương trình, em Hồ Tiến Đạt cho biết: “Từ thực tế sản xuất của gia đình, thấy ba mẹ rất khó khăn khi bóc vỏ dừa bằng phương pháp thủ công, em đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy này. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô, bố mẹ và bạn Đạt và Quỳnh đã tìm tòi nghiên cứu, chế tạo thành công máy bóc vỏ dừa”.

Theo em Đạt, khi sử dụng máy, năng suất lao động sẽ tăng khoảng 3 lần so với dùng tay. Nếu ngày xưa làm cả ngày người lao động cũng chỉ thu được khoảng 250 ngàn đồng, thì nay thu nhập từ máy bóc vỏ dừa có thể lên tới 700 ngàn đồng/người/ngày.

Ban Tổ chức trao thưởng cho 53 ý tưởng đạt giải trong cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng” lần thứ 5 năm 2018.
Ban Tổ chức trao thưởng cho 53 ý tưởng đạt giải trong cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng” lần thứ 5 năm 2018.

“Tụi em rất vui vì khi sử dụng máy này, ba mẹ em cũng như những người lao động ở quê em tránh được các bệnh lý về cột sống, hạn chế tai nạn lao động và đỡ tốn công sức hơn”, Đạt chia sẻ.

Trong khi đó, sản phẩm “Đồng hồ nước thông minh” của nhóm tác giả Huỳnh Ánh Nhật và Lê Đức Khải (Trường THPT Số 1 Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định) lại dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Theo đó, sản phẩm đồng hồ nước này có thể đo được nhiều chỉ số như lượng nước tiêu thụ, áp suất, nhiệt độ nước tại cùng một thời điểm; các chỉ số đo sẽ được đưa lên internet, khách hàng có thể truy cập thông tin từ xa.

Em Huỳnh Ánh Nhật cho biết: “Sản phẩm cũng giúp nhà cung cấp có thể phát hiện những sự cố vỡ đường ống nước, rò rỉ nước, giảm thiểu lãng phí nguồn nước, đồng thời giảm chi phí nhân công ghi đo lượng nước tiêu thụ. Giá thành của sản phẩm sáng tạo này khoảng 700 ngàn đồng/máy, không quá cao nên có thể áp dụng rộng rãi trong cuộc sống, góp phần xây dựng thành phố thông minh, hiện đại”.

Theo Ban tổ chức, cả 2 giải pháp trên đã được trao giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ V năm 2018 và được Ban tổ chức lựa chọn gửi dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm nay.

Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Bình Định, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi nhận định: “Trong 53 giải pháp vòng chung khảo, có tới 18 giải pháp thuộc nhóm “Sản phẩm thân thiện với môi trường” và 14 giải pháp thuộc nhóm “Ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế”.

Các ý tưởng đều gắn với đời sống thực tế của nhân dân.
Các ý tưởng đều gắn với đời sống thực tế của nhân dân.

Ông Tâm chia sẻ thêm: “Các ý tưởng, giải pháp của các em đã thể hiện cả những ước mơ vươn cao của giới trẻ trong thời đại khoa học công nghệ, lẫn những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống thường ngày. Đồng thời, thể hiện ý thức trách nhiệm của các em trong việc góp phần xây dựng gia đình, xã hội”.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 2 giải pháp đạt giải Nhất, 6 giải Nhì, 10 giải Ba và 25 giải Khuyến khích đã được trao cho các em thí sinh.

Doãn Công