Hoạt động thú vị của loài chuột
(Dân trí) - Loài chuột cũng hợp tác, giúp đỡ nhau, giống như con người. Nhà nghiên cứu ManonSchweinfurth cho biết: "Kết quả này cho thấy việc tương hỗ lẫn nhau không chỉ xảy ra ở con người, mà còn ngày càng phổ biến ở thế giới loài vật”.
Giống như con người, chuột cũng biết hợp tác với nhau. Theo một nghiên cứu mới được công bố, chuột tham gia vào hành vi đối ứng, tức là chúng sẽ giúp đỡ lại những con vật đã từng hỗ trợ chúng.
Trong các thí nghiệm thực hiện tại trường Đại học St. Andrews, các nhà nghiên cứu nhận thấy những con chuột có xu hướng thường chải lông giúp đối tác của mình nếu đối tác chia sẻ thức ăn với chúng.
Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học đã đổ một ít nước muối vào cổ của chuột, một phần trên cơ thể mà tự thân nó rất khó tiếp cận, do đó cần phải nhờ một con chuột khác chải lông giúp. Những con chuột thường hành động theo cơ chế chia sẻ thức ăn với bạn của mình để mong muốn nhờ bạn chải lông cho.
Những nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng những con chuột có khả năng hỗ trợ chăm sóc bạn của nó tốt hơn nếu nó được bạn mời ăn. Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí “Sinh học Ngày này”, cho thấy những chuột cũng thường có xu hướng chia sẻ thức ăn với những con chuột khác đã giúp hoặc chăm sóc chúng.
Nhà thần kinh học ManonSchweinfurth cho biết: "Chúng tôi nhận thấy những con chuột giao tiếp với nhau theo quy tắc tương hỗ trực tiếp, ví dụ như“Tôi giúp anh vì anh đã giúp tôi….”
Trước đây, người ta đã cho rằng hợp tác của con người đòi hỏi sự nhận thức phức tạp và sử dụng quá nhiều năng lượng của não. Tuy nhiên, mặc dù sự hợp tác của con người có thể mang các hình thức phức tạp, nghiên cứu mới nhất cho thấy hành vi đối ứng là không giới hạn bởi kích cỡ hoặc sự phức tạp của não. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ngay cả ong cũng tham gia vào một dạng hành vi đối ứng cơ bản.
Ông Schweinfurth cho biết: “Kết quả này cho thấy việc giao tiếp xảy ra không chỉ giữa người,mà giữa các con vật có thể phổ biến rộng rãi hơn nhiều so với những dự đoán hiện nay. Bởi nó không chỉ giới hạn ở những loài có trí não lớn có khả năng nhận thức trí tuệ.”
Hoàng Hằng
Theo UPI