Hoạt động quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập

(Dân trí) - Tại Hội nghị quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới.

Ngày 10/4/2019, tại Quảng Ninh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2019. Tham dự Hội nghị này có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc; nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh; cùng hơn 300 đại biểu là đại diện của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, lãnh đạo và cán bộ chuyên trách của các Sở KH&CN trên toàn quốc đã tham dự.

Hoạt động quản lý nhà nước về SHTT còn nhiều bất cập

Tại Hội nghị Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, khi nói đến một quốc gia, dân tộc, điều đầu tiên chính là cơ sở hạ tầng, tiếp đó là tài sản vô hình của quốc gia, dân tộc đó đóng góp được gì cho văn minh nhân loại.

Hoạt động quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập - 1

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc. 

Theo thống kê, năm 1975 tổng giá trị tài sản của 500 hãng lớn nhất tạo nên sự hùng mạnh của nền kinh tế Mỹ tỷ có lệ tài sản vô hình trên hữu hình là 20/80 (tài sản vô hình chiếm20%, tài sản hữu hình 80%). Nhưng cho đến năm  2015,  tức  40 năm sau, sự dịch chuyển hoàn toàn ngược lại, hữu hình chỉ còn 20%, vô hình 80%. Có thể nói tài sản vô hình là đặc tính của nền kinh tế hiện đại, gắn liền với các nước phát triển công nghiệp.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng khẳng định, SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Giá trị gia tăng mà tài sản trí tuệ mang lại cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, xã hội ngày càng cao. Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sở hữu trí tuệ trên cả nước. Đồng thời tiến hành rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước CPTPP. Có thể nói cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Hoạt động của toàn hệ thống SHTT đã đạt được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng thừa nhận, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới.

“Công tác thẩm định đơn đăng ký SHCN chưa đáp yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về SHCN còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin SHCN còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thực sự mạnh trong lĩnh vực SHTT…”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Thứ trưởng Tạc cũng cho biết thêm, hiện nay cán cân thương mại của Việt Nam gấp đôi GĐP, vì vậy, vấn đề SHTT càng trở thành một vấn đề lớn. Là cơ quan được giao đầu mối chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương soạn thảo Chiến lược SHTT quốc gia và Luật SHTT sửa đổi, sắp tới khi báo cáo Quốc hội, Bộ KH&CN sẽ có những điều chỉnh phù hợp với cam kết khi Việt Nam gia nhập các FTA và CPTTP.

“Trong cuộc chơi chung toàn cầu buộc phải tuân theo quy định, đây cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam”, Thứ trưởng Tạc nhấn mạnh.

SHTT đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước

Khẳng định vai trò của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và đối với địa phương nói riêng, theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, SHTT trong giai đoạn hiện nay quan trọng trong quyết định phát triển KT-XH địa phương, đặc biệt là trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Hoạt động quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập - 2

Toàn cảnh hội nghị.

Nhận thức được tầm quan trọng này, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã chi hơn 1 nghìn tỷ cho phát triển KH&CN. Đặc biệt, tỉnh có dự án riêng về xây dựng thương hiệu với kinh phí đầu tư gần 70 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, Quảng Ninh có tổng số 332 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đã góp phần nghiên cứu, tạo dựng, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ nhằm mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh.

“Không có thương hiệu thì hàng hóa không thể bán được. Từ khi có Chỉ dẫn địa lý đã gia tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị từ 20% đến 50 %”, ông Hậu nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là SHTT trong giai đoạn tới là vấn đề lớn đặt ra đối với cộng đồng KH&CN và các nhà quản lý. Tuy nhiên, từ nhận thức để SHTT thực sự là động lực, là công cụ để phát triển KT-XH còn cả một khoảng cách cần rút gắn. Đây cũng là các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Chiến lược SHTT quốc gia dự kiến trình Chính phủ tháng 6 tới.

Ông Trần Việt Thanh lưu ý, các Sở KH&CN, các viện/trường, các địa phương phải làm sao tham mưu, lồng ghép, tư vấn đưa SHTT trở thành một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển KT-XH địa phương, lúc đó các sản phẩm chủ lực mới đóng góp đắc lực vào nền kinh tế của tỉnh.

Tại hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của các Sở KH&CN về những kết quả đạt được, những khó khăn và những giải pháp đối đối với việc phát triển các hoạt động SHTT ở địa phương. Theo đó, một trong số các vấn đề nổi cộm và khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua tại địa phương chính là việc khai thác, giá trị các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ quyền SHTT để phát triển trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương; hay như định giá tài sản sản trí tuệ vào thực tiễn vẫn còn chậm. Liên quan đến nhân lực SHTT còn mỏng, đặc biệt các tòa án xét xử các vụ liên quan SHTT đều không có cán bộ chuyên môn, nên thời gian tới Cục SHTT đề xuất có tòa án chuyên trách SHTT; Đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn, tạo lập cơ sở dữ liệu SHCN trực tuyến cũng được nhiều đại biểu kiến nghị nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp; tăng chất lượng thẩm định viên… góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, Cục SHTT sẽ đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục SHTT) phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Chiến lược SHTT quốc gia để định hướng hoạt động của hệ thống SHTT quốc gia trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, Cục đang phối hợp với các Bộ/ngành liên quan rà soát, sửa đổi Luật SHTT; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thẩm định đơn đăng ký SHCN. Các địa phương tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT...

Báo cáo kết quả SHTT năm 2018, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, hoạt động của Cục SHTT ngày càng trở nên gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các Bộ/ngành và địa phương thông qua việc sử dụng tài sản trí tuệ làm công cụ phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. 

Năm 2018, lượng đơn xác lập quyền SHCN nhận được tăng cao (tăng 8,1%), trong đó đơn đăng ký sáng chế, GPHI và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng lần lượt là 12,8%, 28,3% và 20%; lượng đơn xác lập quyền SHCN được xử lý tăng 9,2%, trong đó kết quả xử lý sáng chế, GPHI và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng cao, lần lượt là 12,8%, 28,3% và 20% so với năm 2017. Trong đó, Cục đã tập trung xử lý các đơn đăng ký sáng chế, GPHI của người Việt Nam và đơn khiếu nại tăng 50% so với năm 2017. 

S.H