Hóa thạch 5 cm là thằn lằn chứ không phải khủng long nhỏ nhất thế giới
(Dân trí) - Hố mắt của sinh vật này chính là nguyên nhân khiến các nhà nghiên cứu phải lưu ý.
Chỉ vài tháng sau khi một nhóm các nhà nghiên cứu tuyên bố phát hiện ra loài khủng long nhỏ nhất thế giới, họ đã rút lại phát biểu này, và cho rằng nó có khả năng là một con thằn lằn.
Việc phân loại lại loài bò sát được gọi là Oculudentavis khaungraae này diễn ra sau khi một nhóm các nhà nghiên cứu khác đặt câu hỏi về phát hiện và phương pháp nghiên cứu được công bố trên hệ thống lưu trữ bản thảo sinh học bioRxiv.
Nhóm nghiên cứu đã viết trong một bài báo trên tạp chí khoa học Tự nhiên như sau: “Chúng tôi, các tác giả, đang rút lại Bài báo này để ngăn ngừa việc lưu trữ thông tin không chính xác trong tài liệu. Mặc dù nội dung mô tả về Oculudentavis khaungraae vẫn chính xác, nhưng có một mẫu vật mới chưa được công bố đã đặt ra những nghi ngờ về giả thuyết của chúng tôi về nguồn gốc phát sinh loài của HPG-15-3."
Điều khiến nhóm nghiên cứu thứ hai cho rằng O. khaungraae có khả năng là một con thằn lằn là do cấu trúc hố mắt của nó.
"Tuy nhiên, bất chấp những giả thuyết tiến hóa đầy hấp dẫn về xu hướng phát triển cơ thể của các loài khủng long ở đại Mesozoic (bao gồm cả các loài chim) đã được đưa ra, loài động vật bí ẩn này lại thể hiện nhiều đặc điểm hình thái giống với thằn lằn, thách thức khoảng cách hình thái cơ bản giữa thằn lằn và khủng long. Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu thứ hai đã “phân tích lại dữ liệu quét chụp cắt lớp vi tính ban đầu của Oculudentavis. Một bộ phận các đặc điểm tương tự xuất phát từ tổ tiên chung có dạng vảy, bao gồm răng sát mép nằm trong hàm và cửa sổ thái dương dưới mở, hoàn toàn hỗ trợ cho đặc điểm có vảy của chúng, và việc xếp Oculudentavis vào nhóm chim hoặc khủng long đã bị bác bỏ một cách rõ ràng."
O. khaungraae được tìm thấy bên trong một miếng hổ phách ở Myanmar vào năm 2016, và có khả năng nó đã sống ở khu vực này 100 triệu năm trước, trông nó chỉ như “ vừa mới chết hôm qua." Con vật bé nhỏ này đã chết khi bị một ít nhựa cây rơi vào đầu, cuối cùng trở thành mồ chôn hộp sọ của nó.
Con thằn lằn này có thể nặng chưa đến 30 gam và được cho là nặng ngang với loài chim nhỏ nhất còn sống ngày nay - loài chim ruồi ong chỉ sinh sống ở Cuba. Mặc dù có kích thước nhỏ bé như vậy, loài thằn lằn tí hon này vẫn được cho là một kẻ săn mồi và chuyên ăn côn trùng.
Sinh vật này cũng có cánh, một đôi mắt lồi - tương tự như thằn lằn, và một chiếc mỏ với khoảng 30 chiếc răng, nhờ hình ảnh 3D do máy tính tạo ra mà tất cả những đặc điểm này đều có thể quan sát được.
Hiện không rõ liệu con thằn lằn này có thể bay được hay không, một trong các tác giả của nghiên cứu đầu tiên - giáo sư Jingma O'Connor lưu ý về các đặc điểm "kỳ lạ" và "không hoàn thiện" của nó.