1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hố xanh lớn nhất thế giới bị ô nhiễm nhựa

(Dân trí) - Tỷ phú người Anh, Richard Branson đã tìm thấy nhựa ở đáy hố chìm đại dương lớn nhất thế giới trong chuyến thám hiểm vừa qua.

Tỷ phú người Anh đã thực hiện chuyến đi đặc biệt xuống vực thẳm của đại dương cùng Fabien Cousteau, cháu trai của nhà thám hiểm lừng danh người Pháp Jacques Cousteau và nhà thám hiểm Địa lý Quốc gia Erika Bergman vào cuối năm ngoái.

Trong một bài đăng trên blog về chuyến đi, Richard Branson đã nói rằng việc phát hiện ra các chai nhựa ở đáy Hố xanh nổi tiếng cho thấy nhựa đã trở thành tai họa khủng khiếp với lòng đại dương.

Hố xanh lớn nhất thế giới bị ô nhiễm nhựa - 1
Hố xanh nổi tiếng thế giới cũng xuất hiện nhựa.

Hố xanh khổng lồ nằm ngoài khơi bờ biển Belize có đường kính gần 300m và sâu khoảng 130m. Đây là một phần Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận, nằm trong Hệ thống dự trữ rạn san hô Belize Barrier (BBRRS). Nó nằm ở trung tâm của một đảo san hô nổi tiếng.

Hố xanh lớn nổi tiếng này hình thành như một hang động đá vôi từ hàng trăm ngàn năm trước, khi mực nước biển thấp hơn nhiều.

Vào cuối Kỷ băng hà cuối cùng, mực nước biển tăng khoảng hơn 90m đã nhấn chìm hang động và hiện này nó đã trở thành kỳ quan thiên nhiên vô cùng độc đáo.

Vào năm 1971 khi Jacques Cousteau khám phá ra nó đã tuyên bố đây là một trong năm địa điểm lặn biển hàng đầu trên thế giới.

Gần đây nhất, tỷ phú Branson đã đến hố xanh này và vào tháng trước và tường thuật trực tiếp trên kênh Discovery.

Trong một bài đăng trên blog tiếp theo, Branson đã thông báo: “Chúng tôi đã đi khoảng 10 phút trong tàu ngầm vào Hố xanh và sau đó bắt đầu đi xuống bức tường của lỗ xanh. Điều đầu tiên chúng tôi bắt gặp là một bức tường khổng lồ của những khối thạch nhũ khổng lồ, đẹp đến nghẹt thở.

Hố xanh được tạo thành từ một hệ thống hang động phức tạp từng hình thành trên vùng đất khô. Nó là bằng chứng về cách các đại dương có thể tăng nhanh và thảm khốc. Mực nước biển đã từng thấp hơn hàng trăm m. 10.000 năm trước mực nước biển đã tăng khoảng hơn 90m khi rất nhiều băng tan trên khắp thế giới. Ở độ sâu khoảng 90m, bạn có thể thấy sự thay đổi của tảng đá nơi nó từng là đất liền và giờ biến thành biển. Đó là một trong những lời nhắc nhở rõ ràng nhất về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu mà tôi đã từng thấy.

Thật đáng buồn, chúng tôi thấy những chai nhựa ở dưới đáy hố xanh, đó là một tai họa thực sự của đại dương. Tất cả chúng ta đều phải loại bỏ nhựa sử dụng một lần.

Nhóm khoa học làm việc với Branson còn thực hiện chế độ xem 3D về Hố xanh. Họ cũng tham gia vào Ocean Unite, một nhóm bảo tồn, hy vọng sẽ bảo vệ 30% đại dương vào năm 2030.

Minh Long (Theo NewsWeek)