Hiểm họa lớn nhất đối với căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Marshall
Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu không chỉ gây hiểm họa tới một số quốc đảo mà các căn cứ quân sự của Mỹ tại vùng xích đạo ở Thái Bình Dương cũng phải đối mặt với nguy cơ tương tự.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Alert (Mỹ) ngày 25/4 đã đề cập đến thông tin trên. Lầu Năm Góc đã tài trợ cho một nhóm các nhà khoa học quốc tế tập trung nghiên cứu đảo Roi-Namur, thuộc quần đảo Marshall, để đánh giá về “điểm yếu” của nơi đặt căn cứ quân sự với 1.250 binh sĩ, công dân và nhà thầu Mỹ.
Căn cứu trên đảo Roi-Namur là một phần trực thuộc Bãi thử tên lửa đạn đạo quốc phòng Ronald Reagan với hệ thống radar luôn theo sát các vật thể từ không trung tiến vào bầu khí quyển của Trái Đất.
Hãng Sputnik (Nga) cho biết mực nước biển đang tăng 3,2 millimet/năm và dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Trong khi đó, đảo Roi-Namur hiện chỉ nằm cách mực nước biển 1,8 m và nước biển dâng đang trở thành một nguy cơ thật sự.
Các chuyên gia lo ngại về khả năng các con sóng lớn "trùm" lên đảo và nhấn chìm nó xuống. Các nhà nghiên cứu đồng thời cho biết tầng ngậm nước của hòn đảo sẽ nhiễm mặn trong trường hợp nước biển dâng 40cm.
Các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng thời điểm nguy hiểm sẽ xảy ra khi bão nhiệt đới kéo theo ngập lụt có thể khiến nước ngầm tại đảo Roi-Namur không thể sử dụng làm nước uống. Viễn cảnh này buộc người dân địa phương và binh sĩ Mỹ phải chuyển đến nơi khác. Ngoài ra, những thiết bị đắt đỏ như radar trị giá 1 tỉ USD đang được thi công trên đảo cũng có nguy cơ bị hủy hoại.
Tổng thống quần đảo Marshall - bà Hilde Heine - cho biết chính quyền địa phương đang nỗ lực để bảo vệ bờ biển trước tác động của biến đổi khí hậu. Một vấn đề quan trọng khác mà hòn đảo này phải tìm cách giải quyết là rạn san hô bao quanh đang rơi vào tình trạng suy thoái. Rạn san hô thường đóng vai trò như “phanh” ngăn những con sóng tác động mạnh đến hòn đảo.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức