Hé lộ nguyên nhân cái chết của Thành Cát Tư Hãn cách đây 800 năm
(Dân trí) - Thành Cát Tư Hãn là một trong những thủ lĩnh chinh phạt đáng sợ nhất trong lịch sử.
Ông từng dẫn đầu một đội quân lên đến 100.000 chiến binh đi mở mang bờ cõi, dựng nên một đế chế trải dài từ biển Nhật Bản đến tận những đồng cỏ của Hungary.
Nhưng cho dù ảnh hưởng của ông vô cùng to lớn trong lịch sử, nguyên nhân cái chết của ông vào năm 1227 vẫn là điều bí ẩn. Có lời đồn cho rằng ông bị mất máu đến chết sau khi bị thiến, lời đồn khác lại cho rằng ông bị trúng tên tẩm độc trong một trận chiến.
Trong một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở Trường đại học Flinders, Úc, các nhà khoa học cho rằng Thành Cát Tư Hãn chết do mắc một căn bệnh nguy hiểm trong trận giao chiến khốc liệt cuối cùng của ông. Các triệu chứng của ông rất giống với triệu chứng của nhiều người đang mắc bệnh dịch hạch trên khắp châu Âu và châu Á vào thời đó.
Cho dù không thể biết chắc chắn điều gì đã xảy ra nếu không thể tiếp cận với xác của ông vì xác ông chưa hề được tìm thấy, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng lớn nhất là ông bị bệnh dịch hạch.
Tiến sĩ Francesco Galassi, tác giả của nghiên cứu, cho biết chúng ta không thể khẳng định 100% nguyên nhân cái chết của Thành Cát Tư Hãn, nhưng có thể nói rằng khả năng ông chết do bệnh tật là thuyết phục nhất trong số các giả định từ xưa đến nay.
Thành Cát Tư Hãn, người đã có một thời cai trị hơn 1/4 dân số thế giới, được cho là đã qua đời ở tuổi 65. Gia đình và các thế hệ sau của ông được căn dặn phải giữ bí mật về cái chết của ông để không làm ảnh hưởng đến chiến dịch của Mông Cổ chống lại đế chế Tây Hạ, một cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm.
Trong nhiều thập kỷ sau đó, bạn bè và kẻ thù của người Mông Cổ đồn đại rất nhiều điều khác nhau về nguyên nhân cái chết của ông, khiến cho các nhà sử học gặp nhiều khó khăn để phân tách đâu là sự thật đâu là hư cấu.
Nghiên cứu mới lần này tập trung vào cuốn sách "Lịch sử nhà Nguyên", một tài liệu lịch sử được viết vào triều đại nhà Minh ở Trung Quốc. Theo cuốn sách này, Thành Cát Tư Hãn ngã ốm với triệu chứng sốt vào thời gian đang xúc tiến chiến lược chống lại nhà Tây Hạ, và qua đời chỉ sau 8 ngày. Trước đây, các chuyên gia cho rằng ông chết do bệnh thương hàn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lần này nhận thấy rằng cuốn sách này không nói đến các triệu chứng khác của ông như là đau bụng và nôn mửa. Vì thế, họ nghi ngờ rằng bệnh dịch hạch, căn bệnh hoành hành trong các trại lính của vị vua này cũng đã giết chết ông. Các biểu hiện phát bệnh, các triệu chứng và thời gian trở nặng rất nhanh rồi tử vong, đều phù hợp với hiện tượng của người bị bệnh dịch hạch.
Có khoảng 25 triệu người ở châu Âu đã chết vì căn bệnh này vào thế kỷ XIII và XIV. Những chuyện kể về cái chết của vị vua hùng mạnh này dường như được sáng tác sau khi ông chết, gắn với nhiều truyền thuyết bí ẩn, kỳ dị thường được cho là liên quan đến tính cách khác biệt của những vị vua, chứ người ta ít khi quan tâm đến những nguyên nhân thông thường là do ốm mà chết.
Thành Cát Tư Hãn sinh năm 1162. Ông là người lập nên và trị vì đế chế Mông Cổ hùng mạnh. Dưới quyền thống lĩnh của ông, quân đội Mông Cổ hung hãn đã chinh phạt mở rộng bờ cõi gần hết châu Á và châu Âu.
Quân đội của ông nổi tiếng với những chiến thuật tàn bạo. Mỗi khi thu phục được một thành phố mới, một bộ phận dân cư của thành phố kể cả phụ nữ và trẻ em đều bị tàn sát. Những người sống sót bị cướp bóc tài sản, bị tra tấn hoặc cưỡng hiếp. Một số người còn bị dùng làm lá chắn đi trước quân Mông Cổ trong những trận chiến tiếp theo.
Mỗi khi chinh phạt được một lãnh địa, ông lại chọn một người phụ nữ để bổ sung vào hậu cung. Người ta ước tính có hơn 1.000 phụ nữ đã mang thai với ông. Theo ước tính của các nhà khoa học, cứ 200 nam giới ngày nay thì có 1 người là hậu duệ trực hệ của ông.