Hawaii cấm du khách dùng kem chống nắng để bảo vệ... san hô
(Dân trí) - Ngày 1/5 vừa qua, cơ quan lập pháp của Hawaii đã phê chuẩn dự luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cấm các loại kem chống nắng có chứa các hóa chất phổ biến là oxybenzone và octinoxate. Dự luật này đang chờ chữ kí phê duyệt của thống đốc bang.
Qui định cấm này dựa trên kết quả nghiên cứu cho thấy kem chống nắng trôi khỏi da khách du lịch hòa vào nước biển đe dọa các rặng san hô.
Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ các chất chống nắng có thành phần hóa học mới bị cấm, còn các chất chống nắng nguồn gốc khoáng chất, tức là sử dụng ô-xít kẽm hoặc đi-ô-xít ti-tan vẫn được phép sử dụng. Những loại kem chống nắng tiếp tục được phép sử dụng này lại không được ưa chuộng vì khi bôi lên da, chúng để lại màu trắng đục khiến người dùng trông hơi buồn cười.
Tuy vậy các nhà sinh vật học nói rằng hơi kì kì một chút nhưng cũng đáng khi mọi người có thể bảo vệ san hô dưới biển. “Một việc làm nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn, bởi vì san hô chịu tác động của rất nhiều yếu tố” – đó là nhận xét của nhà sinh vật học Nikki Traylor-Knowles thuộc Trường đại học Miami, người đang nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường lên sự sống của san hô.
Trong kem chống nắng có gì?
Hiện nay, san hô trên toàn thế giới đang bị đe doa nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, tình trạng này làm cho các đại dương ấm lên và bị a-xít hóa, vì vậy mà san hô liên tục bị tẩy trắng. San hô sống cộng sinh cùng với các loại tảo, tảo quang hợp được nhờ an toàn bám vào cấu trúc dạng xương của san hô, và đổi lại, tảo cung cấp thức ăn cho san hô. Sự tẩy trắng xảy ra khi san hô bị tác động và sổ thải không cho tảo bám vào.
Sự ô nhiễm, bao gồm cả dòng chảy mạnh do bão và nước thải không qua xử lí, cũng có thể hủy hoại san hô. Nhưng trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã nhấn mạnh rằng kem chống nắng do khách du lịch sử dụng rất nhiều chính là một nguồn đáng kể gây ô nhiễm nước biển.
Hai hóa chất chống nắng oxybenzone và octinoxate đầu độc san hô bằng rất nhiều cách. Theo nghiên cứu năm 2016 của Trường đại học Trung tâm Florida thì oxybenzone phá hủy DNA của san hô, làm cho san hô bị tẩy trắng và thậm chí làm cho các ấu trùng san hô bơi tự do sinh ra xương cứng chưa hoàn thiện và tự vôi hóa chôn vùi chính mình. Sự tẩy trắng cũng có thể là hậu quả của việc quá nhiều hợp chất chống nắng xâm nhập vào san hô. Các chất hóa học này cũng chính là các chất gây rối loạn nội tiết, khiến cho san hô mất khả năng sinh sản.
Cái gì dù nhỏ dù lớn cũng có ảnh hưởng của nó
Có người cho rằng thật là kì quặc khi kết luận rằng chỉ có vài người sử dụng nhiều kem chống nắng mà lại tác động đến cả đại dương trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thực tế là chỉ cần vài phần nghìn tỉ (ppt) khối lượng các chất này trong kem chống nắng con người sử dụng cũng có thế ảnh hưởng đến môi trường nước.
Ngoài ra, nồng độ kem chống nắng có thể nhanh chóng tăng lên trong các vũng, vịnh, phá được che chắn khi du khách bơi lặn ở đây. “Các động vật khác, như là cá chẳng hạn, có thể bơi khỏi vùng nước có hóa chất, nhưng san hô thì không thể. Chúng chỉ biết ở lại đó và chịu trận.” – Traylor-Knowles nói như vậy.
Qui định cấm các loại hóa chất đó của Hawaii là rất tích cực. Một số khu vực du lịch khác ở Mexico cũng đã có lệnh cấm tương tự và Hawaii chính là “mũi lao” tiên phong cho các quốc đảo khác có ngành du lịch phát triển mạnh.
Vậy thì những du khách sợ ánh nắng mặt trời nhưng yêu quí san hô có thể làm gì? Họ có thể mặc đồ bơi kín toàn thân và dùng kem chống nắng khoáng chất. Ngay cả các nhà nghiên cứu khi xuống biển lấy mẫu thí nghiệm họ cũng tắm sạch, rửa dụng cụ bằng xà phòng riêng dành cho thí nghiệm và tuyệt đối không sử dụng mọi sản phẩm chăm sóc da cá nhân, thậm chí cả mĩ phẩm khử mùi. Thay vào đó, họ sử dụng mũ, quần áo bảo hộ và tận dụng những khoảng bóng râm để tránh bị cháy nắng.
“Bạn hoàn toàn có thể vừa bảo vệ mình vừa không gây hại đến môi trường biển” – Nhà sinh vật học John Fauth, người tham gia vào nghiên cứu của Trường đại học Trung tâm Florida kết luận.
Phạm Hường (Theo Live Science)