1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Háo hức chờ đợi hiện tượng “Nhẫn lửa”

(Dân trí) - Những người yêu thiên văn học trên khắp thế giới đang rất háo hức chờ đợi hiện tượng “nhẫn lửa” – hay còn gọi là hiện tượng nhật thực vành khuyên, sẽ diễn ra vào khoảng 7h tối hôm nay (26/2) theo giờ Việt Nam.

Háo hức chờ đợi hiện tượng “Nhẫn lửa”


Hiện tượng nhật thực vành khuyên, hay còn gọi là “nhẫn lửa”

Hiện tượng nhật thực vành khuyên, hay còn gọi là “nhẫn lửa”

Các nhà thiên văn học dự đoán hiện tượng nhật thực vành khuyên lần này sẽ bắt đầu vào lúc 19 giờ 10 phút theo giờ Việt Nam và một số khu vực ở Nam bán cầu sẽ may mắn có cơ hội được chứng kiến hiện tượng thiên nhiên độc đáo này.

Được biết, nhật thực vành khuyên lần này sẽ xuất hiện tại Nam Mỹ, phía nam châu Phi và một phần Đại Tây Dương và khu vực mà người dân và du khách có thể quan sát “nhẫn lửa” rõ nhất là một dải hẹp có bề rộng khoảng 100 km, cắt ngang qua các quốc gia gồm Chile, Argentina, Angola, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo. Rất tiếc, Việt Nam không nằm trong vùng có thể quan sát được hiện tượng này.

Người dân ở các quốc gia Chile, Argentina, Angola, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo có cơ hội chứng kiến nhật thực hình khuyên rõ nhất.
Người dân ở các quốc gia Chile, Argentina, Angola, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo có cơ hội chứng kiến nhật thực hình khuyên rõ nhất.

Nhật thực xảy ra trong kỳ trăng non, khi Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, đồng thời phần khuất của Mặt Trăng quay về phía Trái Đất. Trong trường hợp nhật thực toàn phần, quỹ đạo chuyển động của Mặt Trăng ở ngay phía trước Mặt Trời và chắn hết mọi ánh sáng phát ra từ Mặt Trời.

Trong trường hợp nhật thực hình khuyên, Mặt Trăng vẫn đi qua trước Mặt Trời. Do quỹ đạo hình elip, Trái Đất nằm ở điểm rất gần Mặt Trời trong khi Mặt Trăng ở điểm xa Trái Đất. Mặt Trăng và Mặt Trời có dạng hai hình tròn đồng tâm, nhưng Mặt Trăng nhỏ hơn nhiều nên không thể che kín Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất. Kết quả tạo thành "nhẫn lửa" rực sáng trên bầu trời.

Terry Moseley, thành viên của Hiệp hội Thiên văn Ireland cho biết: “Khoảng 90% diện tích của Mặt Trời bị che phủ. Bạn sẽ nhận thấy có sự sụt giảm rõ rệt về nhiệt độ và độ sáng. Khi Mặt Trăng nằm chính giữa Mặt Trời, nó tạo ra một vòng tròn ánh sáng đối xứng tuyệt đẹp”.

Moseley khuyến cáo người dân không nên quan sát nhật thực trực tiếp bằng mắt thường mà nên đeo kính bảo vệ. Dù Mặt Trăng che gần hết ánh sáng Mặt Trời nhưng bức xạ phát ra vẫn đủ mạnh để đốt cháy võng mạc.

Đoàn Dương (Theo Live Science)