Hành trình tới chiến thắng của chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Sau lễ vinh danh tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), các nhà khoa học đoạt giải thưởng VinFuture 2022 đã có buổi thảo luận, truyền cảm hứng tại trường Đại học VinUni.

Hành trình tới chiến thắng của chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên sân khấu trao giải thưởng cao nhất cho các nhà khoa học (Ảnh: Mạnh Quân).

Tại buổi giao lưu mang tên Chào tương lai, diễn ra sáng nay 21/12 tại Đại học Vin Uni, chủ nhân của các giải thưởng danh giá đã chia sẻ về hành trình đầy gian truân, vất vả nhưng đã mang tới cho họ những niềm vui, thành công như hiện nay.

Trước đó, để đến được với giải thưởng, các nhà khoa học đã vượt qua 970 đề cử đến từ 71 quốc gia trên 6 châu lục, với 4 công trình khoa học xuất sắc được vinh danh đều thuộc các lĩnh vực đã và đang tác động hàng ngày tới đời sống của hàng tỷ người trên thế giới.

Đó là: Công nghệ - y sinh học - nông nghiệp và môi trường. Điểm chung xuyên suốt nổi bật của tất cả các đề án là đã tạo ra sự "Hồi sinh và Tái thiết", góp phần xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho nhân loại trong tương lai.

Từ con số không, tới "ngã rẽ" nhờ niềm đam mê Hóa học

Hành trình tới chiến thắng của chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 - 2

GS. Thalappil Pradeep chia sẻ chặng đường đến với niềm đam mê Hóa học (Ảnh: BTC).

Mở đầu là GS. Thalappil Pradeep tới từ Ấn Độ. Ông đã xuất sắc giành Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, với hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng chi phí thấp.

GS. Thalappil Pradeep kể rằng ông sinh ra tại một làng quê nghèo, không có điện. Thời niên thiếu, ông thậm chí phải đi bộ bằng chân đất qua những cánh đồng lúa khoảng chừng 4 cây số để tới trường.

Cha của GS. Thalappil Pradeep là một nhà văn - người đã truyền cảm hứng cho ông rất nhiều trên hành trình lựa chọn con đường đúng đắn. Khi những người xung quanh hỏi Pradeep rằng liệu ông có muốn là nhà văn, nhà thơ không, ông đã tới gặp và hỏi ý kiến của cha.

Thế rồi, câu trả lời của cha Pradeep khiến cậu thiếu niên khi ấy vô cùng bất ngờ. Ông nói: "Văn thơ thì hay đấy, nhưng ngôn từ không mang lại bánh mì cho nhà mình được".

Pradeep đã mất nhiều đêm trăn trở với câu nói của cha, để rồi ông quyết định lựa chọn con đường trở thành một nhà hóa học. Theo quan điểm của ông, hóa học khá gần với thơ văn. "Hóa học là màu sắc, là mùi vị, là sự biến đổi, và nó cũng lãng mạn như thơ văn", Pradeep cho biết tại buổi thảo luận.

Pradeep cũng vô cùng may mắn khi gặp được nhiều giáo sư, tiến sĩ trong ngành - những người đã thổi lên ngọn lửa trong ông. Để rồi hóa học thực sự đã trở thành niềm đam mê.

Hành trình tới chiến thắng của chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 - 3

GS. Pradeep nhận giải thưởng VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển (Ảnh: Mạnh Quân).

Vài năm sau, khi trở thành một giảng viên, Pradeep lại trăn trở với một câu hỏi: Hóa học giúp gì cho người dân Ấn Độ?

Bằng những nghiên cứu của mình, Pradeep đã phát hiện các hạt nano kim loại có thể phá vỡ các liên kết đã kết nối và vận chuyển asen trong nước ngầm, giúp làm sạch nước ngầm với chi phí rất thấp.

Điều này mang đến ý nghĩa đặc biệt khi mà lúc ấy, nhiều nguồn nước ở Ấn Độ bị nhiễm độc từ thuốc trừ sâu, thậm chí cao tới 20 - 30 lần mức tiêu chuẩn.

Càng thú vị hơn khi công trình nghiên cứu của Pradeep có thể phát huy hiệu quả mà không cần sử dụng nguồn điện, mang lại lợi ích to lớn về sức khỏe cho hàng triệu hộ gia đình, nhất là ở các vùng sâu vùng xa.

Tính đến nay, công trình đã góp phần mang lại nguồn nước sạch cho hàng trăm triệu người sinh sống tại các khu vực có nguồn nước ô nhiễm trên thế giới.

Nhà khoa học nữ với niềm cảm hứng đặc biệt với cây cỏ, thiên nhiên

GS. Pamela Christine Ronald là chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ với công trình nghiên cứu phân lập gen Sub1A, tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn.

Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

Hành trình tới chiến thắng của chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 - 4

GS. Pamela Christine Ronald chia sẻ tại buổi giao lưu sáng ngày 21/12 (Ảnh: BTC).

Thế nhưng ít ai biết rằng để có được thành tựu này, GS. Pamela đã trải qua một hành trình đầy thử thách, với người cha của bà là dân tị nạn, phải chạy trốn nhiều nơi, rồi rốt cuộc tới được với nước Mỹ.

Là một gia đình gắn bó với nghề nông, cha của GS. Pamela luôn nhắc nhở những người con của mình phải trân trọng những gì mình đang có, rồi dùng lợi thế của mình để giúp đỡ mọi người xung quanh.

Niềm cảm hứng, tình yêu với cây cỏ, thiên nhiên của GS. Pamela đã bắt đầu từ khi ấy. Nó đã giúp bà có thêm động lực để nghiên cứu, tạo ra giống lúa mang lại lợi ích cho người dân.

Năm 1995, bà cùng David Mackill - một đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) phát hiện gen chịu ngập úng trong một giống lúa Ấn Độ.

Sau nhiều thử nghiệm, họ đã cùng nhau cô lập gen chịu ngập úng để đưa vào một cây lúa khác với mục đích tạo thành giống mới hoàn thiện hơn, có đầy đủ các ưu điểm như năng suất, chất lượng, mà vẫn sở hữu khả năng chịu ngập úng.

GS. Pamela Christine Ronald cũng chọn cách xuất hiện tại buổi giao lưu theo một cách không thể ấn tượng hơn. Bà cầm trên tay một bát gạo, thay cho lời nhắc nhở chúng ta rằng: "lương thực vẫn đang tác động tới hàng triệu người trên thế giới".

Từ một phát minh tình cờ, tới hành trình Internet thay đổi thế giới

Ngày nay, nếu có ai hỏi về mạng Internet, thì họ có lẽ họ sẽ nhận được câu trả lời rằng: "Làm gì có thứ gì xưa như Internet"... Quả thực, mạng lưới toàn cầu này đã chiếm trọn cuộc sống của chúng ta nhiều tới mức, ít ai còn nhớ trước khi có Internet, con người đã sinh hoạt và giải trí ra sao.

Chính bởi thành tựu vĩ đại ấy, Giải Đặc biệt VinFuture 2022 đã được trao cho 5 nhà khoa học gồm: GS. Sir Timothy John Berners-Lee, TS. Vinton Gray Cerf, TS. Emmanuel Desurvire, TS. Robert Elliot Kahn, và GS. Sir David Neil Payne với các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.

Hành trình tới chiến thắng của chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 - 5

TS. Emmanuel Desurvire - nhà khoa học người Pháp (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Tại buổi chia sẻ sau khi nhận giải thưởng, TS. Desurvire - người mệnh danh là "cha đẻ của sợi cáp quang" khiến khán phòng ngỡ ngàng khi nói rằng phát minh này là hoàn toàn tình cờ, hay thậm chí có phần may mắn.

Đó là bởi TS. Desurvire ban đầu chỉ tập trung nghiên cứu về máy tính quang học. Sau đó khi một người cố vấn của ông hỏi rằng, tại sao không nghiên cứu về hiệu ứng sợi quang, ông mới nảy ra ý tưởng về phát minh về Bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EFDA).

Phát minh của ông rốt cuộc đã giúp việc dẫn truyền Internet với tốc độ ổn định trở nên khả thi trên phạm vi toàn thế giới nhờ thiết kế sợi quang, bộ khuếch đại quang học, sợi chuyên dụng, bộ laser và khuếch đại công suất cao.

TS. Emmanuel Desurvire chia sẻ và đánh giá cao sự tò mò trong nghiên cứu khoa học. Ông cho biết: "Nếu bạn không tò mò thì không làm gì được trong khoa học. Đây cũng là cách để ta đi theo một lối đi riêng, ngay cả khi được khuyên là không làm những điều tưởng như không hợp lý".

Hành trình tới chiến thắng của chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 - 6

TS. Vinton Gray Cerf - nhà khoa học người Mỹ (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

TS. Vinton Gray Cerf, người phát minh về Giao thức Điều khiển Truyền dẫn và Giao thức Internet (TCP/IP) - cơ sở cho Internet hiện tại cũng đồng ý với quan điểm này.

"Trí tò mò giúp thu hẹp tạo động lực ta tới câu trả lời. Trong thế giới của tôi, khi tôi muốn thử nghiệm, tôi cần dự đoán và thử nghiệm dự đoán đó", TS. Cerf cho biết. "Đó là biểu đồ hình cong của dự đoán, thử nghiệm, đo đạc".

GS. Sir David Neil Payne thì dành lời khuyên cho các bạn trẻ, cũng như các nhà nghiên cứu trẻ rằng hãy cứ theo đuổi sự tò mò của mình.

"Theo kinh nghiệm của tôi, các bạn trẻ hãy cứ theo đuổi bản chất là tò mò, hiếu học, nhiệm vụ của ta là khuyến khích thay vì dập tắt chúng". GS. Payne cho biết. "Tôi hay dạy sinh viên rằng: Khi bạn thành công tức là bạn thành công mà không cần giáo viên của các bạn".

Hành trình tới chiến thắng của chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 - 7

Sir David Neil Payne - nhà khoa học người Anh (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ (KHCN) thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.

Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm