Hàng nghìn con gấu nước bị mắc kẹt trên Mặt Trăng sau sự cố tàu đổ bộ của Israel

(Dân trí) - Tàu vũ trụ Beresheet của Israel đã rơi xuống Mặt Trăng trong một nỗ lực hạ cánh thất bại vào ngày 11 tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các nhà khoa học mới xác định sự cố này có thể đã đưa lên bề mặt Mặt Trăng hàng nghìn con gấu nước – loài sinh vật có thể sống sót ngay cả khi Trái Đất bị phá hủy hay Mặt Trời chết đi.

Gấu nước được mô tả là sinh vật 8 chân có chiều dài chưa đến một mm, thường sống dưới nước và gần như … không thể chết. Chúng có thể tồn tại nhiều năm mà không cần ăn, sống trong môi trường cực kì khắc nghiệt như bị đóng băng, đun sôi, nghiền nát dưới sức ép lớn, thậm chí tiếp xúc với môi trường chân không và tia bức xạ của vũ trụ.

Hàng nghìn con gấu nước bị mắc kẹt trên Mặt Trăng sau sự cố tàu đổ bộ của Israel - 1
Hàng nghìn con gấu nước có thể vẫn tồn tại trên Mặt Trăng sau vụ nổ tàu Beresheet của Israel.

Trước đó, tàu vũ trụ Beresheet của Israel đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, khi lần đầu tiên một công ty tư nhân đưa tàu lên Mặt Trăng. Tuy nhiên, trước phút hạ cánh cuối cùng, tàu Beresheet đã mất liên lạc và rơi tự do rồi vỡ tan trên Mặt Trăng.

Vấn đề đáng nói đó là mặc dù nó không vận chuyển các phi hành gia, nhưng nó mang các mẫu DNA của con người, cùng với các con gấu nước đã nói ở trên và 30 triệu trang thông tin số hóa rất nhỏ về xã hội và văn hóa của con người.

Gấu nước và DNA của con người thực tế là những bổ sung muộn cho nhiệm vụ, được thêm vào chỉ vài tuần trước khi Beresheet ra mắt vào ngày 21 tháng 2. Các mẫu DNA và và các DVD được niêm phong chặt, trong khi hàng ngàn con gấu nước được đổ vào băng dính giữ kho lưu trữ tại chỗ.

Các nhà khoa học đã quyết định đưa gấu nước lên Mặt Trăng trong sứ mệnh lần vừa qua bởi gấu nước có thể sống sót trong những điều kiện có thể gây tử vong cho bất kỳ dạng sống nào khác, nhiệt độ âm 200 độ C hoặc lên đến hơn 149 C. Chúng cũng có thể sống sót khi tiếp xúc với bức xạ và môi trường chân không của không gian.

Một “siêu năng lực” khác của loài sinh vật này đó là là khả năng khử nước cơ thể của chúng thành một trạng thái rút đầu và chân, trục xuất nước khỏi cơ thể và co lại thành một quả bóng nhỏ. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng gấu nước có thể hồi sinh từ trạng thái mất nước này sau 10 năm hoặc hơn thế nữa.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được liệu gấu nước có thể tồn tại sau vụ nổ hay không. Câu trả lời sẽ có trong sứ mệnh tiếp theo và chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ trong tương lai.

Khôi Nguyên

Theo Live Science