Hải quỳ và cá hề - nguồn lợi quý cần được quản lý, bảo tồn ở Cù Lao Chàm

(Dân trí) - Trong những chuyến lặn khảo sát các hệ sinh thái san hô, cỏ biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam), tôi đặc biệt chú ý đến một nhóm sinh vật biển khá hấp dẫn đã lôi cuống và kích thích sự quan tâm của tôi.

Đó là nhóm hải quỳ và cá hải quỳ phân bố rải rác và quan hệ gần gũi với rạn san hô ở biển. Tại Cù Lao Chàm chưa có một nghiên cứu nào chi tiết về nhóm sinh vật biển này, có lẽ việc này dành cho các nhà khoa học chuyên môn trong thời gian tới. Dưới góc độ trực tiếp quan sát và tìm hiểu, tôi xin được chia sẻ vài thông tin về nhóm sinh vật có giá trị thẩm mỹ và kinh tế này.

Cá hải quỳ. Ảnh chụp tại Bãi Ông (Cù Lao Chàm) tháng 5/2016
Cá hải quỳ. Ảnh chụp tại Bãi Ông (Cù Lao Chàm) tháng 5/2016

Hải quỳ là một nhóm động vật săn mồi sống dưới nước thuộc bộ Actiniaria, cá hải quỳ (tên tiếng Anh: anemonefish), hay còn gọi là cá hề (tên tiếng Anh: clownfish) thuộc họ cá thia (Pomacentridae).

Trên thế giới có 29 loài cá hề đã được xác định. Tại vùng biển Việt Nam đã thống kê được 7 loài trong đó đã xác định được tên của 6 loài và 1 loài chưa được xác định, tại vùng biển Cù Lao Chàm qua quan sát sơ bộ tôi ước tính có ít nhất 5 loài cá hải quỳ phân bố rải rác trên các rạn san hô tại các đảo.

Cá hải quỳ là những loài cá bản địa của các vùng biển nước ấm thuộc Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương kể cả biển Đỏ. Tất cả các loài cá hề thuộc nhóm cá có kích thước nhỏ, loài có kích thước lớn nhất dài khoảng 18cm nhưng chúng có màu sắc rất đẹp; tùy thuộc vào từng loài, cá hề có những màu sắc khác nhau như: màu vàng, cam, đỏ nhạt, đen nhạt… Nhiều loài có những vạch trắng hay đốm hai bên thân thường gọi là cá hề khoang cổ.

Cá hải quỳ trên cát. Ảnh chụp tại Bãi Ông (Cù Lao Chàm) tháng 5/2016
Cá hải quỳ trên cát. Ảnh chụp tại Bãi Ông (Cù Lao Chàm) tháng 5/2016

Quan hệ hoàn hảo trên cả tuyệt vời. Trong môi trường thiên nhiên hoang dã dưới nước, tất cả các loài cá hề đều sống cộng sinh với loài hải quỳ, có thể nói đây là mối quan hệ hợp tác đồng tiến hóa mà cả hai nhóm loài có thể tồn tại cùng nhau, chia sẻ những lợi ích có lợi cho nhau mà vĩnh viễn không hề đe dọa đến sự sống còn của nhau.

Hy vọng con người chúng ta luôn được hướng tới cách cư xử thân thiện, hợp tác hoàn hảo đúng nghĩa như trong thế giới tự nhiên.

Các nghiên cứu đã cho thấy, cá hề ở rạn san hô ăn những động vật không xương sống nhỏ mà chúng có khả năng đe dọa đến loài hải quỳ và những thứ mà cá hề thải ra lại cung cấp nguồn dinh dưỡng cho hải quỳ.

Cá hải quỳ và cá mao tiên. Ảnh chụp tại Hòn Tai (Cù Lao Chàm) tháng 3/2017
Cá hải quỳ và cá mao tiên. Ảnh chụp tại Hòn Tai (Cù Lao Chàm) tháng 3/2017

Ngoài ra, sự hoạt động thường xuyên của cá hề mang lại kết quả tích cực làm xáo trộn khu vực nước xung quanh và làm tăng nguồn ô xy hòa tan cho hải quỳ; để trả ơn người “bạn tốt” này, hải quỳ lại cung cấp nơi ẩn nấp lý tưởng và an toàn cho cá hề khi gặp địch thủ nguy hiểm, vì hải quỳ là loài có nọc độc (kể cả con người mỗi khi tác động), nhưng duy nhất chỉ có cá hề không có vấn đề gì khi sống chung với hải quỳ.

Chúng ta cần thời gian để tìm hiểu thêm về cơ chế cho mối hợp tác hoàn hảo này cũng như các đặc điểm sinh học và sinh sản rất thú vị từ các loài cá hề tuyệt đẹp này.

Sự tồn tại và cùng chung sống trên các rạn san hô của các loài hải quỳ và cá hải quỳ đã làm tăng sự đa dạng và tính thẩm mỹ của các hệ sinh thái san hô ở biển. Hải quỳ và cá hải quỳ là những sinh vật có màu sắc đa dạng rất đẹp; do vậy chúng rất có giá trị trên thị trường cá cảnh trong nước và thế giới.

Hiện nay nguồn lợi cá hải quỳ trong tự nhiên bị cạn kiệt, nhu cầu trong và ngoài nước rất cao, do vậy việc quản lý, bảo tồn nguồn lợi cá hải quỳ tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là một thách thức cần được quan tâm đúng mức.

X.Ái-C.Bính