GS Trần Thanh Vân trải lòng về việc bỏ ra hàng triệu đô để phát triển khoa học Việt Nam

(Dân trí) - Ít ai biết rằng vợ chồng GS Vân tự bỏ cả triệu đô la dành dụm gần một đời người để cống hiến cho khoa học với mong muốn đưa khoa học Việt Nam bay cao, bay xa hơn… Chính vì vậy việc trung tâm ICISE gặp khó vì bị đòi tiền thuê đất như là một câu chuyện buồn đối với những người làm khoa học.

GS Trần Thanh Vân trải lòng về việc bỏ ra hàng triệu đô để phát triển khoa học Việt Nam  - 1
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc bỏ cả triệu đô la dành dụm gần cả đời để xây dựng một trung tâm khoa học tầm cỡ quốc tế ở Việt Nam.

Mong muốn khoa học Việt Nam bay cao, bay xa hơn

Hơn 10 năm trước, GS Trần Thanh Vân cùng với phu nhân của mình là GS Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam, tại Pháp) mang 2 triệu USD dành dụm gần cả đời từ Pháp trở về Việt Nam để góp sức vào sự nghiệp phát triển khoa học nước nhà.

Cuối năm 2011, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, tại thung lũng Quy Hòa, thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chính thức khởi công. Chỉ gần 2 năm sau, ICISE chính thức đi vào hoạt động và trở thành điểm hẹn của các nhà khoa học khắp trên thế giới.

GS Trần Thanh Vân trải lòng về việc bỏ ra hàng triệu đô để phát triển khoa học Việt Nam  - 2
Mỗi năm, ICISE tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học thu hút hàng trăm nhà khoa học quốc tế và trong nước tham gia.

GS Vân chia sẻ: “Lúc mới có về ý tưởng xây dựng ICISE, nhiều người nói chúng tôi điên rồ vì khi đó cả 2 vợ chồng tuổi đã ngoài 70 tuổi. Họ nói chúng tôi chỉ đang “đốt lửa rơm”, bởi khi chúng tôi già, không đủ sức gánh vác nữa thì “ngọn lửa” khoa học sẽ nhanh chóng tắt đi, đồng nghĩa với ICISE cũng sẽ lụi tàn theo”.

Theo GS Vân, trước khi lựa chọn TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là bến đỗ của ICISE bây giờ, ông đã đi khảo sát rất nhiều thành phố ven biển miền Trung. “Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Định lúc bấy giờ là ông Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã thể hiện quyết tâm giữ chân chúng tôi bằng mọi giá. Thậm chí, ông còn nói rằng, nếu muốn sẽ nhường lại trụ sở chính quyền cho tôi làm trung tâm khoa học. Tấm lòng của ông Hà và các lãnh đạo tỉnh Bình Định lúc đó đã thuyết phục chúng tôi dừng chân ở Quy Nhơn”, GS Vân nói.

GS Trần Thanh Vân trải lòng về việc bỏ ra hàng triệu đô để phát triển khoa học Việt Nam  - 3
Trung tâm ICISE trở thành điểm hẹn của các nhà khoa học khắp thế giới.

GS Vân cũng chia sẻ rằng, năm 2009, nhân kỷ niệm 20 năm Gặp gỡ Blois (năm 1989, tại TP Blois, miền Trung nước Pháp)- nơi ông cùng nhiều nhà khoa học sáng lập, điều hành, GS Trần Thanh Vân lần đầu tiên giới thiệu về thành lập trung tâm ICISE với các nhà khoa học trên thế giới và được ủng hộ.

Ngày trở về Việt Nam, nhiều đồng nghiệp khuyên ông rằng, nếu không còn phụ trách Moriond (Gặp gỡ Moriond (năm 1966, tại làng Moriond, trên dãy núi Alpes, giáp ranh biên giới giữa Pháp và Italy) nữa thì hãy làm một điều gì đó tốt đẹp hơn.

“Khi chúng tôi về Việt Nam thành lập ICISE, những người bạn ở Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois họ đều đến để hỗ trợ, giúp đỡ tôi rất nhiều. Chính họ đã góp phần làm cho “ngọn lửa” khoa học tại ICISE bùng cháy và ngày càng sáng hơn. Khi tôi già đi và không còn đủ sức nữa thì ICISE đã có một đội ngũ rất đông nhà khoa học tại Việt Nam và bạn bè quốc tế, đủ sức thay tôi lèo lái ICISE. Và “ngọn lửa” ở ICISE sẽ mãi trường tồn chứ không phải là “lửa rơm” như nhiều người lo lắng. Từ đó, tiếp tục đóng góp vào giáo dục, khoa học cho Việt Nam cũng như chuyền lửa đam mê tình yêu khoa học đến giới trẻ Việt Nam”, GS Vân nói.

GS Trần Thanh Vân trải lòng về việc bỏ ra hàng triệu đô để phát triển khoa học Việt Nam  - 4
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc trong 1 lần đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thăm ICISE.

Giáo sư Vân cũng tin tưởng rằng, với sự thông minh, chịu khó của người Việt Nam chúng ta sẽ tạo ra được những thành tựu khoa học nổi bật trong tương lai. Nếu được quan tâm, đầu tư thì tương lai chúng ta sẽ có một đội ngũ khoa học dồi dào, đầy nội lực góp phần đưa khoa học Việt Nam bay cao, bay xa hơn…

Chờ xin ý kiến Chính phủ chỉ đạo

Theo GS Vân, hiện ngoài việc gặp khó vì bị đòi nợ tiền thuê đất khiến ông mệt mỏi thì giờ đây ICISE còn gặp vô vàn khó khăn khác liên quan đến các dự án khách sạn vì khoa học (1,3ha) đang bị các sở ngành địa phương “chấn chỉnh”. Họ cho rằng ICISE chỉ được xây nhà lưu trú không được làm khách sạn!

GS Trần Thanh Vân trải lòng về việc bỏ ra hàng triệu đô để phát triển khoa học Việt Nam  - 5
Lễ động thổ khách sạn "Vì khoa học" trong không khí hân hoan với sự tham gia của GS Nobel, các nhà khoa học và lãnh đạo trung ương, địa phương.

“Ban đầu, tôi chẳng muốn xây khách sạn làm gì nhưng các anh ở tỉnh nhiều lần thuyết phục. Họ thậm chí còn giới thiệu cho tôi nhiều nhà đầu tư hàng đầu trong nước nhưng không doanh nghiệp nào đáp ứng được điều kiện tôi đưa ra. Bởi, khách sạn vì khoa học, mục tiêu tối thượng không phải để kinh doanh kiếm lợi mà là nhằm góp phần thực thi sứ mệnh của ICISE. Song, tôi không thể lường trước được những thủ tục pháp lý ở Việt Nam hiện nay. Ngay từ đầu, lúc khởi công dự án, lãnh đạo tỉnh, các ban ngành tham gia đầy đủ tại sao không ai phát hiện ra, không cảnh báo chúng tôi?  Giờ đây, công trình xây lên sừng sững thì lại cho là không đủ điều kiện cấp phép, cấp chứng nhận đánh giá tác động môi trường, không được có trạm biến áp riêng… Hãy chỉ cách thức, thủ tục để chúng tôi làm đúng”, GS Vân nói.

GS Trần Thanh Vân trải lòng về việc bỏ ra hàng triệu đô để phát triển khoa học Việt Nam  - 6
GS Trần Thanh Vân từng nói ông rất may mắn tìm được ông Tiêu Như Phương (Việt kiều Đức), một người có tình yêu muốn cống hiến cho khoa học cùng ICISE.

Cũng theo GS Vân, vấn đề nan giải hiện nay là trung tâm khám phá khoa học đang thiếu người có đủ trình độ để điều hành trung tâm này. “Trước đây, lãnh đạo tỉnh Bình Định gợi ý cho tôi đi tìm 1 người đủ trình độ để về đây làm giám đốc trung tâm. Rất may mắn chúng tôi mới tìm được một người gốc Việt đang làm việc ở Pháp về để điều hành trung tâm khám phá khoa học. Sau 2 năm điều hành, người này đã tạo dựng được rất nhiều mô hình khoa học hết sức thú vị và ý nghĩa, nhằm chuyển tải tình yêu khoa học cho thế hệ trẻ và cộng đồng ở Bình Định và cả Việt Nam. Tuy nhiên, sau này thì cơ chế lại không cho phép người này được điều hành trung tâm, nên anh ta đành phải trở lại Pháp đầy nuối tiếc”, GS Vân bộc bạch.

Liên quan về việc ICISE liên tục bị đòi tiền thuê đất, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, UBND tỉnh đã có báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ để xin miễn tiền thuê đất cho dự án ICISE theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, đồng thời chỉ đạo ngành thuế tạm dừng thông báo thu tiền đối với ICISE. Còn về dự án khách sạn vì khoa học, ông Dũng đồng ý cho phép GS Trần Thanh Vân tiếp tục xây dựng; được quyền góp vốn, góp đất đầu tư dự án...

GS Trần Thanh Vân trải lòng về việc bỏ ra hàng triệu đô để phát triển khoa học Việt Nam  - 7
ICISE còn là nơi gặp gỡ, giao lưu nhằm tiếp "lửa" cho những bạn trẻ yêu khoa học.

“Với số tiền dành dụm, vợ chồng giáo sư Vân có thể sống dư giả an dưỡng tuổi già nhưng giáo sư lại không chọn cách nhẹ nhàng đó. Nếu không có tấm lòng vì quê hương, không nghĩ đến việc phát triển nền khoa học, giáo dục của Việt Nam thì vợ chồng giáo sư Vân sẽ không dành hết tâm huyết, trí lực và tài sản dành dụm để về nước đầu tư cho ICISE như lúc này. Đây là niềm trăn trở lớn, món nợ của tỉnh Bình Định đối với giáo sư Vân. Quan điểm xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và cá nhân ông là xin miễn tiền thuê đất đối với diện tích phục vụ khoa học phi lợi nhuận”, ông Dũng chia sẻ.

Đóng góp của ICISE cho nền khoa học Việt Nam

Từ năm 2013 đến nay, ICISE đã tổ chức trên 60 hội nghị khoa học quốc tế, 20 trường khoa học chuyên đề với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học quốc tế; trong đó có 12 người đoạt giải Nobel, 2 giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và 1 giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)… Không chỉ vậy, ICISE còn mời được rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trên thế giới về lại đất nước để đóng góp công sức, trí tuệ của họ. Ngoài ra, nơi đây còn đào tạo, nhận giúp đỡ cho hàng trăm em sinh viên Việt Nam được qua nước ngoài học tập, theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm