1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Google công bố 5 nguyên tắc để phát triển trí tuệ nhân tạo

(Dân trí) - Trí tuệ nhân tạo đang có tốc độ phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, khiến không ít người lo ngại một tương lai mà con người bị trí tuệ nhân tạo kiểm soát như trong những bộ phim viễn tưởng. Để trấn an mọi người, Google vừa công bố 5 nguyên tắc phát triển trí tuệ nhân tạo của hãng.

Google là một trong những hãng công nghệ đầu tư mạnh nhất vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong thời gian qua, khi không chỉ xây dựng các phòng thí nghiệm riêng để phát triển trí tuệ nhân tạo, Google còn chi tiền để mua lại các công ty trí tuệ nhân tạo và phát triển robot khác.

Dĩ nhiên, để trí tuệ nhân tạo được phát triển và không vượt quá phạm vi kiểm soát của con người, Google cần phải có những nguyên tắc nhất định để phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo. Mới đây, Chris Olah, một nhân viên làm việc tại phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Google đã đăng tải một bài viết trên trang blog chính thức của Google, chia sẻ về 5 nguyên tắc lớn nhất mà Google đang tuân theo để phát triển trí tuệ nhân tạo thông minh và an toàn hơn.

“Đây là những suy nghĩ hiển nhiên, những câu hỏi về quá trình nghiên cứu lâu dài về những vấn đề nhỏ hôm nay nhưng là vấn đề quan trọng để giải quyết cho các hệ thống trong tương lai”, Chris Olah chia sẻ trong bài viết của mình.

Google đang muốn trấn an con người về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo?
Google đang muốn trấn an con người về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo?

Cụ thể, 5 nguyên tắc quan trọng trong phát triển trí tuệ nhân tạo của Google bao gồm:

- Tránh những tác dụng phụ tiêu cực: Trí tuệ nhân tạo không được làm ảnh hưởng đến môi trường trong khi hoàn thành các nhiệm vụ được đặt ra.

- Tránh gian lận kết quả trả lại: Trí tuệ nhân tạo nên hoàn thành đúng nhiệm vụ, thay vì đi "đường vòng", chẳng hạn một con robot dọn dẹp xử lý luôn cả những thứ khác mà nó không nhận diện được đó là chất bẩn.

- Dễ giám sát: Trí tuệ nhân tạo không cần phải nhận được phản hồi liên tục từ con người, chẳng hạn một hệ thống trí tuệ nhân tạo nhận được một phản hồi của con người từ một nhiệm vụ mà nó thực hiện, nó cần phải khai thác những phản hồi đó một cách có hiệu quả, thay vì phải thường xuyên yêu cầu con người gửi phản hồi vì điều này có thể gây phiền nhiễu.

- Khám phá an toàn: Trí tuệ nhân tạo không được làm tổn hại đến bản thân và môi trường trong quá trình khám phá và học hỏi môi trường xung quanh để thực hiện công việc. Chẳng hạn một con robot làm vệ sinh có thể được thử nghiệm nhiều cách thức lau nhà khác nhau, nhưng rõ ràng không được để một chiếc chổi lau nhà ướt chạm vào ổ điện.

- Thích nghi mạnh mẽ với sự thay đổi: Trí tuệ nhân tạo cần phải nhận diện và có hành động thích nghi khi nó được đặt vào một môi trường rất khác biệt so với môi trường trong phòng nghiên cứu hay môi trường học hỏi ban đầu.

Google cũng đã cùng với trường Đại học Stanfrod, Đại học Bekley và công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo OpenAI đã kêu gọi một sự thỏa thuận để phát triển trí tuệ nhân tạo an toàn. Đây là một trong những nỗ lực để trấn an những ai lo ngại về một tương lai khi mà trí tuệ nhân tạo phát triển vượt quá khả năng kiểm soát của con người, giống như trong những bộ phim viễn tưởng.

Không ít chuyên gia công nghệ, các nhà khoa học nổi tiếng đã từng bày tỏ sự lo ngại về tương lai của trí tuệ nhân tạo.

Trước đó, vào năm 2014, Elon Musk, tỷ phú công nghệ và cũng là một trong những người đầu tư mạnh để phát triển trí tuệ nhân tạo đã từng bày tỏ sự lo ngại rằng trong tương lai trí tuệ nhân tạo sẽ còn nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân. Nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak cũng bày tỏ sự lo ngại về trí tuệ nhân tạo khi cho rằng trong tương lai, con người sẽ trở thành “vật nuôi” của trí tuệ nhân tạo. Nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking cũng đã từng bày tỏ sự quan ngại về trí tuệ nhân tạo khi cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là dấu chấm hết cho con người.

T.Thủy
Tổng hợp