Giống loài "chưa từng được biết đến" trong lăng mộ bà nội Tần Thủy Hoàng
Khi khai quật hầm mộ của bà nội Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ không thể ngờ được rằng mình lại tìm ra một giống loài mới cho ngành sinh vật học thế giới.
Từ xa xưa người Trung Quốc đã rất coi trọng nghi lễ chôn cất cho người đã khuất. Họ quan niệm "nhập thổ vi an", chỉ khi người trong gia đình được an táng cẩn thận thì người sống trên dương thế mới được thuận buồm xuôi gió.
Chính vì vậy, nghiên cứu cổ mộ trở thành một lĩnh vực vô cùng quan trọng trong khảo cổ học, mỗi ngôi mộ không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa thời kỳ được xây dựng mà nó còn phản ánh địa vị, quyền lực và thái độ của thời đại với người đã khuất.
Nơi bà nội của Tần Thủy Hoàng được chôn cất'
Năm 2004, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một ngôi mộ vô cùng đặc biệt - mộ của bà nội Tần Thủy Hoàng. Ngôi mộ đã hé lộ nhiều chi tiết thú vị về lịch sử Trung Quốc trước thời Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa.
Trước khi được các nhà khảo cổ học phát hiện, ngôi mộ đã bị kẻ trộm viếng thăm nhiều lần. Thậm chí những viên gạch đen sạm trong lăng còn tiết lộ ngôi mộ này từng bị hủy hoại bởi lửa. Lăng có quy mô lên tới 160.000 mét vuông với 4 ngôi mộ chính và 13 hố chôn.
Tuy chỉ còn là một đống hoang tàn nhưng các nhà khảo cổ vẫn có thể căn cứ vào những dấu vết còn sót lại để phán đoán ra chủ nhân của lăng mộ chính là bà nội của Tần Thủy Hoàng - Hạ Thái hậu (?- 240TCN).
Trên bia đá trong mộ, người ta có thể nhận ra hai chữ "Bắc Cung" và "Tư Cung", kết hợp với những ghi chép trong "Sử ký: Lã Bất Vi liệt truyện", không nghi ngờ đây chính là nơi an nghỉ của bà nội Tần Thủy Hoàng.
Tuy Hạ Thái Hậu không phải một nhân vật nổi bật trong lịch sử Trung Quốc nhưng với vị trí là bà nội của Tần Thủy Hoàng, khi được phát hiện, mộ phần của bà đã thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng.
Trong quá trình khai quật, các chuyên gia đã phát hiện hơn 300 mảnh di vật văn hóa quý giá còn sót lại và đặc biệt là 6 chiếc xe ngựa. Đội hình sáu chiếc xe ngựa xa hoa như thế này chỉ được dành cho hoàng tộc vào thời điểm đó.
Sinh vật "chưa từng được biết đến"
Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn khai quật được rất nhiều hài cốt động vật trong hố chôn số 12 tại đây. Một lượng lớn xương gia cầm được chôn ở phía bắc, ngược lại phía nam là chỗ cho gấu, báo và linh miêu...
Hơn thế, các chuyên gia còn phát hiện một bộ hài cốt thuộc loài linh trưởng vô cùng kỳ lạ. Dù được phát hiện từ năm 2004 nhưng đến tận năm 2018, các nhà khoa học mới có thể đi đến kết luận về bộ hài cốt này.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện mô hình 3D của bộ hài cốt rồi mất hơn 10 năm để so sánh với hàng trăm bộ xương của các loài vượn hiện có trên khắp thế giới. Cuối cùng các chuyên gia tuyên bố đây là một loài vượn mới mà chúng ta chưa từng biết đến trước đây, tuy nhiên loài này hiện đã tuyệt chủng.
Một số giả thiết đã hình thành xung quanh lai lịch của bộ hài cốt này, trong đó có một giả thiết rằng từ hơn 2200 năm trước, các vị hoàng đế cổ đại Trung Quốc đã có thói quen nuôi nhốt vượn như một thú vui. Và rất có thể đây cũng là nguyên nhân loài vượn này tuyệt chủng trước khi chúng ta biết về nó!
Khám phá này đã gây chấn động cho các nhà khảo cổ trên thế giới, bởi trong các lăng mộ hoàng gia Trung Quốc thời xưa, rất hiếm khi động vật được bồi táng cùng người đã khuất.
Bên cạnh đó bộ hài cốt này cũng trở thành tâm điểm của các nhà sinh vật học, nó trở thành một mắt xích cung cấp nguồn dữ liệu nghiên cứu quý giá về lịch sử tiến hóa của loài vượn. Để tưởng nhớ vai trò của loài vượn này, các nhà khoa học đã đặt cho nó một cái tên vô cùng hào hoa - vượn "quân tử đế vương".