Giới khoa học tò mò "những kẻ lang thang" trong tinh vân Orion

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Những điều kỳ lạ đang xảy ra trong tinh vân Orion, các nhà thiên văn học phát hiện những hành tinh khổng lồ hiện lang thang tại đó. Chúng dường như đi theo cặp, khiến giới khoa học chưa thể lý giải.

Giới khoa học tò mò những kẻ lang thang trong tinh vân Orion - 1

Tinh vân Orion được coi là vườn ươm sao của vũ trụ (Ảnh: Futura science).

Hơn 1 tháng qua, kính thiên văn James Webb đã hướng con mắt để theo dõi tinh vân Orion, được coi như một phòng thí nghiệm cho phép chúng ta hiểu quá trình hình thành sao nói chung. 

Đồng thời, tinh vân này ẩn chứa nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học mong muốn làm sáng tỏ. Môi trường Orion khá giống thời điểm Hệ Mặt Trời của chúng ta ra đời, cách đây hơn 4,5 tỷ năm. Nó được coi là vườn ươm sao của vũ trụ.

Trở lại một năm trước, hai kính viễn vọng Very Large (Chile) và Hubble đã khám phá các quần thể sao trẻ và vô số ngôi sao chết (sao lùn nâu) trong tinh vân Orion. 

Đáng chú ý, nó chứa một số hành tinh khí khổng lồ và các nhà thiên văn học đang nỗ lực vạch ra ranh giới rõ ràng giữa các vật thể này.

Những quan sát mới từ kính viễn vọng không gian James Webb khiến vấn đề thêm phức tạp hơn, nó tiết lộ sự hiện diện của hàng trăm vật thể đặc biệt nhỏ trong Trapezium (một cụm sao trẻ), nằm ở trung tâm tinh vân Orion bao gồm sao lùn nâu và hành tinh khí khổng lồ. 

Để hiểu rõ hơn vấn đề, trước tiên chúng ta phải biết rằng khối lượng sao lùn nâu thường gấp 13-80 lần Sao Mộc. Ngoài ra, lõi của những vật thể này đậm đặc đủ để hình thành các phản ứng tổng hợp hạt nhân. 

Hành tinh lang thang hoặc vật thể chưa biết?

Trong tinh vân Orion, những quan sát gợi ý rằng, thông qua các vụ va chạm, tương tác, các vật thể có kích thước không lớn hơn ba lần Sao Mộc có thể xuất hiện.

Phát hiện từ kính viễn vọng không gian James Webb còn tiến xa hơn nữa, giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự hiện diện các vật thể có khối lượng gấp 0,6 lần Hệ Mặt Trời.

Nhưng những vật thể này là gì? Nó có thể là một số loại hành tinh lang thang, bằng cách này hay cách khác, thoát khỏi lực hút của ngôi sao mà chúng hình thành xung quanh trong vụ va chạm vật chất. 

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy những hành tinh lang thang như vậy ở nơi khác.

Vấn đề là, trong số các hành tinh khổng lồ được phát hiện trong tinh vân Orion, có khoảng 40 hành tinh trong số đó trên thực tế là hành tinh kép. Điều đó làm phức tạp mọi thứ, bởi vì việc một vật thể có thể bị xé ra khỏi ngôi sao của nó là điều khó có thể tưởng tượng được.

Làm thế nào mà những vật thể nhị phân có khối lượng bằng sao Mộc này được hình thành? Các nhà thiên văn học vẫn đang do dự, họ hy vọng hiểu rõ hơn điều đó và lên kế hoạch cho những quan sát mới từ kính James Webb vào năm tới.