Giấy cói bí ẩn 2.000 năm tuổi tiết lộ giả thuyết y học cổ về chứng "bệnh lạ" của phụ nữ
(Dân trí) - Ý nghĩa đằng sau cuộn giấy cói bí ẩn 2.000 năm tuổi đã được các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ giải mã, tiết lộ lý thuyết y học La Mã điên rồ cho rằng phụ nữ trở nên cuồng loạn khi họ không có tình dục.
Mảnh giấy vụn nát đã tiết lộ những bài viết y học về tình trạng chứng bệnh đã rõ ràng hiện nay sau khi làm bối rối các nhà khoa học trong nhiều thế kỷ.
Trước đây, cuộn giấy nằm trong một bộ sưu tập các tác phẩm cũ thuộc sở hữu của một giáo sư đã cư trú tại Đại học Basel trong thế kỷ 16.
Do được viết bằng tiếng Hy Lạp cổ đại và trang trí trên cả hai mặt của giấy, nó gây hoang mang các chuyên gia và học giả trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng công nghệ ánh sáng hồng ngoại và cực tím hiện đại, Phòng thí nghiệm Nhân văn Kỹ thuật số Basel đã phát hiện ra rằng giấy cói này không phải là một tờ, mà được dán từ nhiều tờ lại với nhau.
Với sự giúp đỡ của một chuyên gia phục hồi giấy cói, chúng đã được tách ra và cuối cùng được đọc thông tin lần đầu tiên. Nó là một tài liệu y khoa.
Sabine Huebner, một giáo sư lịch sử cổ đại tại Đại học Basel, tuyên bố sự tiến bộ này là "một khám phá giật gân". Bà giải thích "đa số các giấy cói là các tài liệu như thư từ, tài liệu và biên nhận. ‘P. Basel 1A’ là một văn bản văn học và có giá trị hơn".
Bà cho biết thêm: "Bây giờ chúng ta có thể nói rằng đó là một văn bản y khoa mô tả hiện tượng 'cơn ngưng thở cuồng loạn', (do đó) chúng tôi cho rằng đó là một văn bản từ bác sĩ La Mã nổi tiếng Galen hoặc một bình luận không rõ về công việc của ông"
Ngày nay, ngưng thở cuồng loạn được biết đến nhiều hơn như là chứng loạn thần kinh, mà đã được bác sĩ Galen đề cập trong các văn bản khác.
Bác sĩ Glan đưa ra giả thuyết rằng phụ nữ có thể bị ngưng thở cuồng loạn nếu họ ngừng quan hệ tình dục, nhưng giả thuyết này không được các bác sĩ hiện đại công nhận.
Mặc dù vậy, Galen vẫn được nhớ đến như một trong những học giả vĩ đại nhất thời cổ đại, đặc biệt là trong y học.
Đào Hiền (Theo The Sun)