1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Giáo sư Nhật Bản chia sẻ bí quyết “đối mặt” với cách mạng công nghiệp 4.0

(Dân trí) - Chiều 19/10, tại trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội, Giáo sư, nhà kinh tế Heizo Takenaka đã có một buổi thuyết trình đặc biệt thu hút sự quan tâm đông đảo của giới sinh viên cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Buổi thuyết trình xoay quanh các vấn đề nóng bỏng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Giáo sư (GS) Heizo Takenaka, sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dẫn đến sự thay đổi về ngành nghề, tác động lớn đến các nền kinh tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy…


Giáo sư, nhà kinh tế Heizo Takenaka đưa ra những cảnh báo cũng như cách thức để quyết bài toán cách mạng công nghiệp 4.0.

Giáo sư, nhà kinh tế Heizo Takenaka đưa ra những cảnh báo cũng như cách thức để quyết bài toán cách mạng công nghiệp 4.0.

GS Heizo Takenaka cũng khẳng định, những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.

Về lĩnh vực kinh tế, GS Heizo Takenaka cảnh báo, ở lĩnh vực tín dụng thì khi trí tuệ nhân tạo chiếm lĩnh thì nhân lực con người trong việc phân tích tín dụng sẽ giảm bớt đi rất nhiều. Mẫu chốt của vấn đề là họ chỉ cần tích hợp được một hệ thống Big Data đủ lớn…


Đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và sinh viên ĐH Ngoại Thương tham dự buổi thuyết trình đặc biệt.

Đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và sinh viên ĐH Ngoại Thương tham dự buổi thuyết trình đặc biệt.

“Chung với các quốc gia thì Nhật Bản cũng đang phải đối mặt thách thức rất lớn đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam cũng vậy, thậm chí Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mà ở Nhật Bản chưa có, điển hình là sự xuất hiện của Grab, Uber..” - GS Heizo Takenaka bày tỏ.

GS Heizo Takenaka cũng cho hay, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản đang phải đầu tư tài chính để hỗ trợ đào tạo lại cho những nhân lực đã đi làm để có thể đáp ứng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc đào tạo lại ở đây không phải là tiếp thu các kiến thức đại cương mà phải là kiến thức thực tế, mô phỏng...

GS người Nhật cũng tiết lộ: Hiện nay có những trường đại học mà nhiệm kỳ của Hiệu trưởng chỉ được phép kéo dài 5 năm và sau đó người ta phải thay thế bằng người khác để phát huy những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới… Đây cũng là cách để bắt kịp với xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.


GS Heizo Takenaka giải đáp các thắc mắc xoay quanh bài thuyết trình đặc biệt của mình.

GS Heizo Takenaka giải đáp các thắc mắc xoay quanh bài thuyết trình đặc biệt của mình.

Trước câu hỏi của phóng viên báo Dân trí về việc ở Việt Nam chưa có nhiều trường đại học đa ngành thì việc đào tạo lại sẽ như thế nào? Làm sao để có thể tiếp cận với cuộc cách mạng này một cách tốt nhất?

GS Heizo Takenaka thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay cách nhìn về các trường đại học đơn ngành cũng đã khác xưa rất nhiều. Chẳng hạn như ở Viện Công nghệ Massachusett (MIT) họ chủ yếu đào tạo về khoa học kỹ thuật những sinh viên của họ cũng nắm rất vững chắc về kinh tế, điều đó cho thấy họ đã rất chủ động trong việc tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0.

“Tôi thấy một mô hình mà chúng ta có thể học hỏi đó là hình thức chuyển đổi tín chỉ giữa các cơ sở đào tạo. Nếu chúng ta làm được việc này thì người học có thể tiếp cận được nhiều lĩnh vực chuyên ngành nhưng lại rút ngắn được rất nhiều thời gian.” - GS Heizo Takenaka nhấn mạnh.

Trao đổi thêm với Dân trí, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương chia sẻ: "Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế Việt Nam và Nhật Bản đã và đang gặt hái những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tới Việt Nam và chuyến thăm cấp Nhà nước của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản trong đầu năm 2017.

Buổi hội thảo do công ty TNHH Minami Fuji Nhật Bản phối hợp với trường ĐH Ngoại thương tổ chức mong muốn mang đến những chia sẻ góc nhìn của một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong giới chính trị và kinh doanh Nhật Bản và khu vực châu Á về bối cảnh kinh tế của Nhật Bản, ASEAN và những xu hướng, triển vọng của mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian sắp tới"

Hiệu trưởng ĐH Ngoại Thương cũng cho biết thêm, GS Heizo Takenaka hiện là Thành viên Ban cố vấn Thủ tướng, nhà Kinh tế học và cựu Bộ trưởng nổi tiếng với những cống hiến to lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 2001, ngài Takenaka từng nắm giữ qua các chức bộ trưởng quan trọng trong nội các Nhật Bản như: Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông,... GS cũng là nhân vật có tiếng nói trong giới kinh tế Nhật Bản, từng nhiều lần phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế Giới. Hiện nay, bên cạnh vai trò chủ tịch tập đoàn tư vấn nhân sự Pasona, ngài Takenaka cũng là giáo sư tại Đại học Keio – một trong những trường Đại học hàng đầu Nhật Bản và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản “Nhật Bản và thế giới tới năm 2020 – Những thay đổi lớn về kinh tế”

Nguyễn Hùng