Giám sát chất lượng không khí – thách thức không nhỏ để bảo vệ sức khỏe
(Dân trí) - Mỗi năm ở châu Âu có trên 500.000 ca trẻ sinh non tử vong do nguyên nhân ô nhiễm không khí. Điều này có thể làm nhiều người ngạc nhiên, khi mà Trung Quốc và Ấn Độ mới là những nơi nổi tiếng trên các trang báo với tiêu đề về ô nhiễm không khí.
Nhưng theo số liệu mới nhất của Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA), chỉ riêng trong năm 2014 đã có 534.471 ca trẻ sinh non tử vong ở 41 nước châu Âu với nguyên nhân xuất phát từ ô nhiễm không khí.
Bên cạnh nguồn phát thải khí độc hại chủ yếu là ni-tơ đi-ô-xít (NO2) và khói bụi từ các nhà máy điện, khu công nghiệp và các hộ gia đình, thì khí thải của phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ra vấn đề các hạt mịn xâm nhập vào phổi. Trong năm 2010, châu Âu phải gánh chịu 1,3 nghìn tỉ ơ-rô thiệt hại về mặt kinh tế do các ca trẻ sinh non tử vong và các bệnh do ô nhiễm không khí. Con số này tương đương gần 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn châu Âu năm 2013. 85% số dân sống ở thành thị tiếp xúc ở mức độ cao với các nguy cơ hạt phát tán trên mức an toàn theo qui định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hơn lúc nào hết, việc giám sát mức độ ô nhiễm không khí và chia sẻ những thông tin này đang trở nên vô cùng quan trọng để có thể thực hiện những hành động hiệu quả. Chương trình quan sát trái đất của Liên minh châu Âu có tên là “Copernicus” đang làm việc với các cơ quan nhà nước và các nhà hoạch định chính sách để xây dựng các chính sách mới cũng như phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp liên quan đến khí hậu.
Chính quyền các thành phố ở châu Âu từ lâu đã nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng không khí, các mạng lưới giám sát đã được thiết lập để theo dõi một số nguồn gây ô nhiễm thường xuyên. Thông tin dự báo ngày càng phổ biến để cảnh báo người dân thành phố về các hiện tượng sắp xảy ra. Ví dụ như: ở Luân-đôn, Anh và mới đây là ở Ri-ga, Lát-vi-a, các nhà mạng di động đã cung cấp dịch vụ AirText, một ứng dụng trên điện thoại thông minh để cảnh báo cho người sử dụng khi ô nhiễm không khí chuẩn bị lên đến ngưỡng, để họ cân nhắc các hoạt động cho phù hợp, như là hạn chế ra đường. Ứng dụng này hoạt động dựa trên sự kết hợp thông tin quan trắc của Copernicus với thông tin về các nguồn ô nhiễm tại thành phố đó.
Để tăng cường nâng cao nhận thức và đẩy mạnh phổ biến thông tin, vào tháng 12/2017, Copernicus phối hợp với trang báo mạng Euronews cho ra đời bản tin 60 giây dự báo chất lượng không khí ở các thành phố lớn của châu Âu. Bản tin được phát 4 lần/ ngày bằng 10 thứ tiếng. Kể từ khi ra đời, bản tin đã có hơn 10 triệu lượt xem.
Người đứng đầu Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus nhấn mạnh rằng mọi người đều quen thuộc với dự báo thời tiết, nhưng dự báo chất lượng không khí thì khác, bởi “bạn không thể làm gì để thay đổi thời tiết, nhưng bạn có thể hành động để cải thiện chất lượng không khí. Bạn có thể lựa chọn giữa sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm số lượng ô tô riêng chạy trên đường; các cơ quan chức năng có thể đặt ra qui định giảm các nguồn phát thải nhất định vào những ngày nhất định để hạn chế mức độ nghiêm trọng trong một giai đoạn cụ thể.”
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng ở châu Âu và đang được khuyến khích giám sát và cải thiện tình hình. Ở Bỉ, Viện nghiên cứu công nghệ Flemish đã phát triển mô hình chất lượng không khí để trợ giúp các nhà qui hoạch đô thị; Lithuania đang hoàn thiện công cụ dự báo cải tiến để điều tra các triệu chứng dị ứng; ở Đức, Heich Consult (đơn vị hướng dẫn và hỗ trợ sử dụng các nguồn tài trợ của châu Âu) sử dụng dữ liệu của Copernicus để phát triển một ứng dụng thông báo chất lượng không khí ở các thành phố. Trong vài tháng tới chương trình DiscovAir của Hi Lạp sẽ cung cấp thông tin tổng hợp về thời tiết, tia cực tím, phấn hoa và các chỉ số chất lượng không khí khác để khách du lịch có thể tổ chức các hoạt động của mình cho phù hợp.
Mặc dù đã có những bước tiến đầy hứa hẹn như vậy, chúng ta vẫn còn nhiều việc khác phải làm. Kết hợp từng hành động riêng lẻ ở mỗi vùng, mỗi quốc gia với nhau và với dữ liệu toàn cầu sẽ mang lại những giải pháp hữu hiệu hơn. Trao quyền cho các nhà lập chính sách và công cụ cho toàn dân sẽ đảm bảo chúng ta có thể hành động hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng không khí cho tương lai.
Phạm Hường (Theo Euronews)