Giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
(Dân trí) - Hiện nay ở Việt Nam rất nhiều các chất cấm và chất kháng sinh bị lạm dụng vào quá trình chăn nuôi, làm giảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng lớn tới môi trường sống. Ngày 18/3, các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận về một giải pháp mới để giải quyết thực trạng đáng báo động này.
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, trên thế giới xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên phục vụ cuộc sống đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các sản phẩm Probiotics dùng trong chăn nuôi đang ngày càng được ưa chuộng.
Tuy nhiên tại Việt Nam, sản phẩm Probiotics vẫn chưa được chú trọng, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu và sản xuất quy mô nhỏ. Giá nhập khẩu cao của sản phẩm nhập khẩu và chất lượng không ổn định của các sản phẩm probiotics thế hệ cũ trong nước sản xuất không mang lại hiệu quả về kinh tế cho người sử dụng. Do đó, việc thay thế các các chất tăng trọng và thuốc kháng sinh truyền thống theo xu hướng thế giới còn gặp nhiều khó khăn.
Để thúc đẩy việc sử dụng Probiotics trong chăn nuôi, sáng 18/3, lần đầu tiên tại Việt Nam, Hội thảo khoa học “Probiotics bào tử bền nhiệt từ Anh quốc - Công nghệ đột phá nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi” được tổ chức. Hội thảo này thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học khi có sự xuất hiện nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu vi sinh, miễn dịch thú ý như Giáo sư Simon Cutting - chuyên gia hàng đầu thế giới về vi sinh, Đại học Royal Holloway Anh Quốc; Tiến sĩ, Bác sĩ thú y Wilfried Tiegs - Chuyên gia về miễn dịch học thú y công ty Veracus CHLB Đức… chia sẻ kết quả nghiên cứu, ứng dụng “Probiotics bào tử bền nhiệt từ Anh quốc” vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như tác dụng tích cực của nó mang lại cho cộng đồng xã hội.
Nội dung buổi hội thảo tập trung vào việc thảo luận ứng dụng “Probiotics bào tử bền nhiệt từ Anh quốc” trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, tác động đến nguồn dinh dưỡng cung cấp cho vật nuôi, nâng cao hệ miễn dịch đường ruột, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh có trong thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
“Probiotics bào tử bền nhiệt” bắt nguồn từ kết quả nghiên cứu sau 25 năm của GS. Simon Cutting. Nhờ quá trình phân lập, sàng lọc, định danh bằng công nghệ gen mà những chủng Bacillus sau khi được nhân chủng ở quy mô công nghiệp vẫn giữ nguyên đặc tính ưu việt của chủng gốc. Với công nghệ lên men tiên tiến, các vi khuẩn (Bacillus) có khả năng tạo bào tử 100%. Lớp vỏ bào tử giúp cho vi khuẩn tồn tại ở môi trường pH thấp, chịu được nhiệt độ ép viên lên đến 95oC.
Nhờ đặc tính này nên có thể đưa ứng dụng vào sản xuất công nghiệp tại nhà máy thức ăn chăn nuôi. Quá trình thử nghiệm thực tế cho thấy, khi đi vào hệ tiêu hóa của vật nuôi, vi khuẩn bắt đầu quá trình sản sinh ra các enzyme Phytase, Cellulase, Amylase, Protease… giúp vật nuôi tiêu hóa, hấp thụ triệt để các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn như protein, tinh bột, lipid, các khoáng chất và vitamin thiết yếu. Đồng thời với quá trình sản sinh enzyme, vi khuẩn Bacillus kết bám ở thành ruột ngăn chặn sự xâm hại của các chất kháng sinh và các vi khuẩn gây hại tới hệ tiêu hóa vật chủ. So với ứng dụng vi khuẩn sống trong thức ăn chăn nuôi trước đó thì khả năng tồn tại và phát huy hiệu quả của Bacillus dạng bào tử tỏ ra có nhiều ưu điểm vượt trội.
Tại hội thảo này, kết quả thử nghiệm “Probiotics bào tử bền nhiệt” sử dụng cho thức ăn chăn nuôi cũng chính thức được công bố. Theo đó, khi bổ sung Probiotics vào trong thức ăn chăn nuôi giúp giảm 60-70% tỷ lệ tiêu chảy trên heo con theo mẹ, giảm triệt để mùi hôi, giảm việc sử dụng kháng sinh để phòng và điều trị bệnh đường ruột cho vật nuôi, giúp vật nuôi tiêu hóa hấp thu thức ăn triệt để hơn. Qua đó giảm 4%-10% hệ số chuyển hóa thức ăn FCR và cải thiện khả năng tăng trọng ADG 4%-6% so với không sử dụng Probiotics 100% bào tử. Góp phần tăng khối lượng xuất chuồng, đồng thời tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn, hạn chế tồn dư kháng sinh, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi từ 200-300 ngàn đồng/ con heo (từ khi tập ăn đến khi xuất chuồng).
Ngoài những ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi, hội thảo tập trung thảo luận các tác động của “Probiotics bào tử bền nhiệt” tới cộng đồng xã hội. Ngoài những tác dụng rõ rệt của bào tử vi khuẩn Bacillus lên hệ tiêu hóa của vật chủ khi bổ sung vào thức ăn, vấn đề ô nhiễm trong môi trường chăn nuôi cũng sẽ được khắc phục rõ rệt, giúp giảm thiểu tác động xấu tới hệ sinh thái quanh khu vực chuồng trại.
Là đơn vị hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất Probiotics 100% bào tử bền nhiệt ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam, ông Huỳnh Minh Việt - Tổng giám đốc BioSpring chia sẻ: “Hội thảo này rất thiết thực, nó là cầu nối giúp kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vi sinh, miễn dịch thú ý với ngành khoa học chăn nuôi tại Việt Nam, góp phần đưa ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển xanh – sạch và hiệu quả. Qua hội thảo chúng tôi cũng ý thức được trọng trách của mình và chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai đưa ra thị trường các dòng sản phẩm Probiotics ưu việt phục vụ ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”.
Trao đổi với Dân trí bên lề Hội thảo, TS Phạm Kim Đăng - Phó Trưởng khoa chăn nuôi Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ: “Đây là một trong những giải pháp thay thế các chất cấm, chất kháng sinh trong thời gian sắp tới. Thế giới người ta đã cấm sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi nhưng ở Việt Nam chưa có giải pháp thay thế nên chưa cấm được. Vấn đề quan trọng ở đây là người ta đã nghiên cứu được Probiotics bào tử bền nhiệt nên rất thuận tiện trong các nhà máy sản xuất bởi quá trình xử lý nhiệt thì phải chịu được nhiệt, đây là một bước tiến rất là lớn”.
Nguyễn Hùng