Giải mã về loài hoa "tiên dược" khiến đại gia bỏ hàng chục triệu săn lùng
(Dân trí) - Loài hoa bước ra từ truyền thuyết, được ví như "bách thảo chi vương" đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị khai thác quá mức.
Thiên Sơn Tuyết Liên (hoa sen tuyết của Thiên Sơn) là loài hoa hiếm có, từng xuất hiện trong những bộ truyện của nhà văn Kim Dung với công dụng chữa trị những căn bệnh quái ác, được coi như một loại thuốc cải tử hoàn đồng và tăng cường công lực.
Tưởng chừng như một sản phẩm kết tinh từ những câu chuyện thần thoại, kiếm hiệp trong trí tưởng tượng của con người, đây lại là cây hoa có thật với nhiều công dụng hữu ích kết hợp với độ hiếm có trong tự nhiên khiến nó được mệnh danh là "Bách thảo chi vương" (Vua của trăm loài dược thảo).
Nguồn gốc của Thiên Sơn Tuyết Liên
Theo các mô tả được ghi chép trong tài liệu lịch sử, Thiên Sơn Tuyết Liên được mô tả "là loại hoa cánh trắng vàng, nhụy đỏ tím, mọc trên tuyết trắng, thuộc họ nhà cúc nhưng bông lại to như bông hoa sen".
Loài hoa này được phát hiện lần đầu tiên vào đời nhà Thanh của Trung Quốc. Khi ấy, học giả Triệu Học Mẫn đã ghi lại cảm xúc của mình về loại hoa này: "Giữa vùng núi quanh năm bao phủ tuyết trắng có một loại hoa kỳ lạ. Đây quả thực là đệ nhất mỹ nhân trên đỉnh núi Thiên Sơn".
Các tài liệu khoa học thì cho rằng hoa Tuyết Liên có tên "Saussurea involucrata", hay còn gọi là Sen Tuyết, thuộc một chi thực vật có hoa trong họ cúc. Tuy nhiên khi hoa nở lại có hình dáng tựa như một đóa sen.
Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi loài hoa này sống trên những ngọn núi ở độ cao khoảng 2.500 - 4.000m so với mực nước biển, quanh năm phủ đầy tuyết trắng.
Được biết, núi Thiên Sơn thuộc tỉnh Tân Cương, Trung Quốc chính là nơi mà người ta tìm thấy loài hoa này lần đầu tiên. Chính vì thế, cái tên Thiên Sơn Tuyết Liên cũng bắt nguồn từ đó.
Nhiều người nói rằng "bách thảo chi vương" có hình dáng khá giống cây súp lơ trắng với những lớp lá ngoài cùng màu xanh đậm, mép lá xoăn nhẹ và có hình như lưỡi mác ôm trọn lấy đóa hoa, càng vào sâu bên trong màu sắc của hoa càng nhạt dần.
Có lẽ vì sinh trưởng trong môi trường lạnh lẽo và hoang vu mà loài hoa này mang vẻ đẹp không hề phô trương, cầu kỳ.
Mọc trên đỉnh núi khắc nghiệt, hoa Tuyết Liên sinh trưởng thế nào?
Hoa Tuyết Liên như một minh chứng cho vẻ đẹp kiên cường, bản lĩnh giữa những khó khăn, thử thách trong cuộc đời khi vươn mình từ những kẽ đá bao phủ khắp một vùng núi tuyết trắng xóa.
Theo các tài liệu được ghi chép, hạt của hoa mọc trong các khe núi đá với quá trình tăng trưởng thực tế diễn ra chỉ trong 8 tháng nhưng phải mất từ 5 - 7 năm hình thành từ lúc nảy mầm đến khi nở hoa.
Thông thường, hạt của hoa nảy mầm ở nhiệt độ 0 độ C, sinh trưởng trong điều kiện 3 - 5 độ C và chịu được lạnh -21 độ C. Thế nhưng, người ta ước tính chỉ có khoảng 5% số hạt Tuyết Liên có thể nảy mầm, tạo nên cây hoa trưởng thành.
Tùy theo điều kiện ánh sáng và nhiệt độ thời tiết, cánh hoa sẽ tự động đóng mở để thích nghi với môi trường tự nhiên
Những bông hoa này nở đẹp nhất vào tháng 7 sau khi trải qua cả một quá trình sinh trưởng đầy gian khổ trong điều kiện khắc nghiệt mà rất hiếm loài thực vật nào có thể chịu đựng được.
Chính vì trải qua một quá trình "rèn luyện" khắc nghiệt trong thời gian dài như vậy mà Thiên Sơn Tuyết Liên đã tự mang lại cho chính bản thân mình một giá trị vô cùng to lớn đối với những người yêu hoa, cũng như dưới góc độ y học.
Công dụng của Thiên Sơn Tuyết Liên
Theo y học cổ truyền ghi chép lại qua hàng ngàn năm, hoa Tuyết Liên có vị ngọt, tính bình, không độc. Cánh hoa Tuyết Liên được dùng để thúc đẩy lưu thông máu, tăng cường khí huyết, giải độc tự nhiên, chữa viêm thấp khớp, trị các bệnh liên quan đến phổi, rối loạn kinh nguyệt, bồi bổ sinh lực cho nam giới, hòa hợp âm dương cho nam và nữ giới.
Trong khi đó, ngay cả rễ cây cũng có thể dùng để chữa đau bụng, cảm lạnh, thấp khớp, chứng sợ độ cao.
Theo y học hiện đại ngày nay, hoa Tuyết Liên được nghiên cứu và chứng minh có khả năng chữa được nhiều loại bệnh ác tính khác. Hoa giàu alkaloid, flavonoid, protein và các loại axitamin, có thể điều tiết được độ toan kiềm trong cơ thể người, có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, chống mệt mỏi, chống lão hóa.
Hoa còn được điều chế thuốc trợ tim, tăng cường đề kháng, chống ung thư, bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, loại hoa này có tính nhiệt, khi ăn vào sẽ ra nhiều mồ hôi; thậm chí đã có lời đồn rằng, khi ăn hoa Tuyết Liên người ta có thể "cởi trần đi trong tuyết mà không thấy lạnh".
Giới y học mệnh danh loài hoa này là tiên dược, không hề thua kém nhân sâm ngàn năm hay nấm linh chi, thậm chí giá trị có thể cao hơn rất nhiều.
Tại Việt Nam, Thiên Sơn Tuyết Liên được coi là thực phẩm quý hiếm, được giới nhà giàu săn lùng để bồi bổ sức khỏe hoặc đem biếu tặng. Giá thị trường của loại hoa này là khoảng 5 triệu/bông, hoặc 80 - 100 triệu/kg.
Dẫu vậy theo khảo sát của IUCN từ năm 2020, hoa Tuyết Liên đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất trong tự nhiên. Theo lý giải của các nhà khoa học Vườn thực vật Missouri (Mỹ) sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc và làn sóng khách du lịch đổ về Tây Tạng, Tân Cương thập kỷ trước đã khiến nhu cầu về loại hoa này tăng cao.
Trước đó, những người thu hái thuốc truyền thống thường chỉ hái những bông Tuyết Liên lớn và số lượng nhỏ, đủ dùng. Tuy nhiên, sự đồn thổi về tính chất quý hiếm và công dụng của nó dẫn đến nạn khai thác quá mức làm thuốc cổ truyền, và mối đe dọa tuyệt chủng.