Giải mã hiện tượng nhìn thấy tương lai đầy bí ẩn

(Dân trí) - Bạn cảm thấy hình như mình đã từng gặp chuyện này trước đây rồi? Hầu hết mọi người đều đã trải qua cảm giác quen thuộc kỳ lạ của hiện tượng déjà vu (hay còn gọi là ký ức ảo giác), và hiện nay, lần đầu tiên việc chụp quét não bộ đã tiết lộ lý do của hiện tượng này – đó là dấu hiệu của việc bộ não đang kiểm tra lại bộ nhớ của nó.

Déjà vu là một từ tiếng pháp có nghĩa là “đã thấy”, đó là một cảm giác kỳ lạ mà bạn đã trải qua một sự việc nào đó trước khi biết rằng không phải vậy. Chẳng hạn như, bạn đang đứng sau bếp nướng nói chuyện với một người bạn, và họ đề nghị bạn cho họ một chiếc bánh hamburger. Sau đó, bỗng nhiên bản cảm nhận được một cảm giác rất mạnh mẽ và lạ lùng rằng bạn đã ở chính xác nơi này, và có một người bạn cũng đề nghị bạn một chiếc bánh hamburger theo đúng kiểu mà tình huống này vừa diễn ra. Cảm giác này vẫn tồn tại trong tâm trí khoảng 10 đến 20 giây và sau đó bạn không thể nắm bắt lại nó theo cách ban đầu. Bất cứ ai từng gặp hiện tượng déjà vu đều nói rằng nó bỗng nhiên xảy đến và không kéo dài lâu.


Hình ảnh này trông quen quen… (Ảnh: Daniel Hogberg)

Hình ảnh này trông quen quen… (Ảnh: Daniel Hogberg)

Déjà vu từng được cho là có nguyên nhân từ việc bộ não tạo nên những ký ức sai, nhưng nghiên cứu của Akira O’Connor tại Đại học St Andrews, Anh và các cộng sự đã cho thấy đề xuất này là sai. Cách thức hoạt động chính xác của hiện tượng déjà vu vẫn còn là một bí ẩn, một phần vì bản chất thoáng qua và không thể đoán trước làm cho việc nghiên cứu trở nên khó khăn hơn. Để nghiên cứu về hiện tượng này, O’Connor và các cộng sự đã phát triển một phương pháp để kích hoạt cảm giác về déjà vu trong phòng thí nghiệm.

Kỹ thuật mà nhóm nghiên cứu sử dụng là một phương pháp tiêu chuẩn để kích hoạt các ký ức sai. Nó bao gồm việc nói với một người một danh sách các từ có liên quan – chẳng hạn như giường, gối, buổi đêm, giấc mơ – nhưng không phải là từ khóa liên kết chúng với nhau, trong trường hợp này là từ “ngủ”. Khi người này sau đó giải ô chữ về những từ mình đã được nghe, họ có xu hướng tin rằng họ đã nghe thấy từ “ngủ” – đó là một ký ức sai.

Để tạo ra cảm giác về déjà vu, trước hết nhóm của O’Connor hỏi mọi người rằng họ có nghe thấy từ nào bắt đầu với chữ “n” hay không. Các tình nguyện viên trả lời rằng không. Điều này có nghĩa là sau đó, lúc họ được hỏi rằng có nghe thấy từ “ngủ” hay không, thì họ có thể nhớ rằng họ không nghe thấy, nhưng cùng lúc đó, từ “ngủ” đó làm họ cảm thấy rất quen thuộc. Và họ biết họ trải qua cảm giác lạ kỳ này chính là hiện tượng déjà vu.

Xung đột não bộ

Nhóm của O’Connor đã sử dụng kỹ thuật fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng) để chụp quét não của 21 tình nguyện viên khi họ đang được kích hoạt déjà vu. Ông cho biết “chúng tôi mong đợi rằng các khu vực của não bộ có liên quan đến trí nhớ, chẳng hạn như hồi hải mã (- là một phần của não trước, nằm bên trong thùy thái dương. Nó có liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin và hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn và khả năng định hướng trong không gian) có thể hoạt động trong suốt thời gian của hiện tượng này, nhưng trong trường hợp này thì nó không liên quan. Thay vào đó, O’Connor và các cộng sự đã thấy rằng vùng trán của não có liên quan đến việc ra quyết định hoạt động này.

Ông đã trình bày những phát hiện này tại Hội nghị Quốc tế về Trí nhớ ở Budapest, Hungary vào tháng trước. Ông cho rằng các vùng trán của não bộ có thể kiểm tra 1 lượt những ký ức của chúng ta, và gửi các tín hiệu nếu có một số loại lỗi bộ nhớ - đó là một cuộc xung đột giữa những gì chúng ta đã thực sự trải qua và những điều chúng ta nghĩ rằng mình đã trải qua.

Stefan Kohler từ Đại học Western Ontario ở Canada phát biểu “điều đó cho thấy có thể có một số sự giải quyết xung đột diễn ra ở bộ não trong quá trình xảy ra déjà vu”.

Một cái đầu khỏe mạnh

Nếu những kết quả này được xác nhận, họ cho rằng déjà vu là một dấu hiệu cho thấy hệ thống kiểm tra bộ nhớ trong não bộ của bạn đang hoạt động tốt, và bạn sẽ ít có khả năng nhớ sai về các sự kiện.

Điều này phù hợp với những gì chúng ta đã biết về ảnh hưởng của tuổi tác đến bộ nhớ - déjà vu phổ biến hơn đối với những người trẻ tuổi và mất dần khi già đi, vì bộ nhớ bị suy giảm. O’Connor cho biết “nó có thể do hệ thống kiểm tra tổng thể bị suy thoái, nên bạn ít có khả năng để phát hiện ra những ký ức sai”.

Christopher Moulin đến từ Đại học Pierre Mendès-France ở Grenoble, Pháp đã nói kết quả nghiên cứu này không phải là điềm lành đối với những người chưa hề trải qua hiện tượng déjà vu. Ông nói “nếu không có thì sẽ không tốt, chúng không phản ánh trên hệ thống bộ nhớ của họ”.

Nhưng O’Connor lại nói những người không trải qua déjà vu có thể có hệ thống bộ nhớ tốt hơn ngay từ đầu. Nếu họ không tạo ra lỗi bộ nhớ, thì sẽ không kích hoạt déjà vu.

Nhà nghiên cứu Kogler thì phát biểu rằng “hiện vẫn chưa biết được là déjà vu có lợi hay không. Có thể trải nghiệm với hiện tượng déjà vu làm cho mọi người thận trọng, vì họ có thể không còn tin tưởng nhiều vào bộ nhớ của mình nữa. Nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào về điều này.”

Anh Thư (Theo Newscientist, Highexistence)