“Giải mã” hệ thống lọc nước bằng cá chép của người Nhật khiến cả thế giới thán phục
(Dân trí) - Kabata chính là đỉnh cao của cách khai thác bền vững nguồn nước ngọt của người Nhật xưa. Trong hệ thống này, không có chất bẩn, không có hóa chất tẩy rửa mà chỉ còn lại những chú cá chép béo mập.
Ở Nhật Bản, khoảng 1/3 lượng nước ngọt đều đi đến những cánh đồng lúa. Đối với một quốc đảo thì nước ngọt là một nguồn tài nguyên thực sự rất quý giá. Thậm chí, ngay từ thời xa xưa, người dân ở xứ sở Hoa anh đào đã ý thức được điều này và hệ thống lọc nước cổ có tên Kabata chính là đỉnh cao của cách khai thác bền vững nguồn nước ngọt của người Nhật xưa.
Nhắc đến hệ thống lọc nước Kabata, thì ví dụ điển hình nhất ở thời điểm hiện tại chính là làng Harie, một ngôi làng nhỏ nằm ở rìa vùng bãi bồi cạnh hồ Biwa, hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản, thuộc tỉnh Shigai.
Ở ngôi làng này, nguồn nước từ thượng nguồn sẽ được dẫn vào trong một hệ thống kênh mương liên kết với nhau tỏa rộng ra khu dân cư, đây chính là một phần của hệ thống Kabata đã được nhắc đến ở đầu bài. Nhờ có hệ thống kênh mương, nước sẽ được dẫn vào từng ngôi nhà, mà cụ thể hơn là một căn phòng riêng biệt trong ngôi nhà (cũng là một phần của hệ thống Kabata), chuyên dành cho việc rửa thực phẩm cũng như bát đũa sau khi ăn xong.
Nguồn nước ở trong căn phòng này sẽ được phân tầng theo cấp độ sạch. Cụ thể, nước chảy ra từ ống xuống chậu rửa nhỏ bằng đá sẽ là tinh khiết nhất; khi chậu rửa nhỏ đầy nước, nó sẽ tràn xuống bồn rửa lớn phía dưới chiếm khoảng 1/2 hoặc 1/3 diện tích căn phòng cũng là nơi chứa nước ít sạch nhất. Dựa theo độ sạch thì mục đích sử dụng của các tầng nước cũng rất khác nhau. Cụ thể, nước ở vòi sẽ dùng cho việc ăn uống; nước trong bồn nhỏ dùng để làm mát, rửa rau củ, vo gạo và tráng bát đĩa đã rửa; nước ở bồn rửa lớn sẽ dùng để rửa lượt đầu các loại bát đĩa, cùng các dụng cụ nhiều chất bẩn hơn. Bên cạnh đó, vì nước trong hệ thống Kabata luôn giữ ở nhiệt độ 13-15 độ C quanh năm, nên nó cũng được người dân tận dụng để làm mát và bảo quản thực phẩm vào mùa Hè
Nhẽ ra việc người dân thường xuyên rửa ráy ở nguồn nước này sẽ khiến nó bị vấy bẩn. Nhưng không! Nước trong hệ thống Kabata lại luôn ở tình trạng trong vắt và đây cũng chính là điểm đặc biệt của hệ thống này.
Bên cạnh lý do dòng nước chảy liên tục, thì yếu tố chủ chốt góp phần giữ nguồn nước luôn sạch chính là đội quân dọn vệ sinh đặc biệt: Cá chép. Theo đó, những chú cá chép được nuôi ngay trong bồn nước lớn của mỗi nhà, khi chủ nhân rửa đồ chúng sẽ tập trung đến và ăn sạch những vụn thức ăn thừa rơi xuống đáy. Nhờ vào giải pháp này, những chú cá chép vừa có đồ ăn, mà nguồn nước luôn được giữ sạch. Như vậy, trong hệ thống Kabata không có chất bẩn, không có hóa chất tẩy rửa mà chỉ còn lại những chú cá chép béo mập.
Tiếp theo mạch chảy của hệ thống Kabata, nước từ bồn chứa lớn sẽ hòa vào hệ thống kênh rạch và điểm đến cuối cùng sẽ là những ruộng lúa, một phần được đổ vào hồ Biwa, nước lúc này vẫn trong tình trạng rất sạch. Có thể nói với Kabata, tất cả mọi người đều được hưởng lợi ích.
Minh Nhật
Theo NG; Researchgate