1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Giải mã đám mây kỳ lạ xuất hiện trên bề mặt Sao Hỏa

Trang Phạm

(Dân trí) - Vào năm 2018, một máy ảnh trên tàu vũ trụ Mars Express đã bắt gặp một đám mây dài và mềm mại một cách kỳ lạ, cuồn cuộn trên bề mặt hành tinh Đỏ.

Cho đến gần đây, các nhà khoa học mới có câu trả lời về hiện tượng này.

Giải mã đám mây kỳ lạ xuất hiện trên bề mặt Sao Hỏa - 1
Hình ảnh đám mây như vệt khói khổng lồ trên Sao Hỏa.

Nhìn từ xa, vệt mây trên Sao Hỏa dài 1.500 km. Nó gần giống như một đám khói và dường như đang trồi lên từ đỉnh của một ngọn núi lửa đã chết từ lâu.

Nhìn lại những hình ảnh được lưu trữ, các nhà nghiên cứu sớm nhận ra điều này đã xảy ra trong một thời gian. Cứ sau vài năm vào mùa xuân hoặc mùa hè, đám mây kỳ lạ này sẽ quay trở lại, trước khi biến mất.

Đám mây kì lạ đã được ghi lại hình ảnh vào các năm 2009, 2012, 2015, 2018 và một lần nữa vào năm 2020.

Một nghiên cứu mới được công bố hiện đã trình bày chi tiết lý do tại sao đám mây dài khó hiểu này xuất hiện và biến mất kỳ lạ như vậy. Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu đã so sánh các quan sát có độ phân giải cao vào năm 2018 với các quan sát được lưu trữ khác, một số trong số đó kéo dài từ những năm 1970.

Theo các nhà khoa học, vào lúc bình minh, không khí dày đặc từ chân núi lửa Arsia Mons bắt đầu leo lên sườn phía tây. Khi nhiệt độ giảm xuống, gió này nở ra và hơi ẩm bên trong nó ngưng tụ xung quanh các hạt bụi, tạo ra thứ mà trên Trái đất chúng ta gọi là mây orographic.

Mỗi buổi sáng, trong suốt nhiều tháng quan sát, các nhà nghiên cứu đã theo dõi quá trình này lặp lại chính nó. Ở độ cao khoảng 45km, không khí bắt đầu mở rộng và trong 2,5 giờ hoặc lâu hơn, đám mây bị kéo theo hướng Tây theo chiều gió, với tốc độ 600 km/h, trước khi cuối cùng tách ra khỏi núi lửa.

Tại thời điểm lớn nhất của nó, có thể đạt 1.800 km chiều dài và 150 km chiều rộng. Đến trưa, khi Mặt trời ở đỉnh, đám mây sẽ bay hơi hoàn toàn.

Những đám mây không hẳn là bất thường trên Sao Hỏa, nhưng những đám mây phía trên Arsia Mons tiếp tục hình thành vào mùa hè khi hầu hết những đám mây khác biến mất. Trên thực tế, phần lớn thời gian, ngọn núi lửa cụ thể này có một đám mây che phủ khi những núi khác xung quanh nó không có - nhưng chỉ trong một số điều kiện, nó mới lan ra thành một vệt dài. Mỗi năm, vào đầu mùa đông, đám mây này cũng có thể tạo thành hình xoắn ốc.

Vì vậy, nếu chùm mây dài này diễn ra hàng ngày trong một khoảng thời gian mỗi năm, tại sao chúng ta chỉ có những quan sát lẻ tẻ về nó?

Các nhà nghiên cứu cho biết đó là do nhiều camera quay quanh Sao Hỏa chỉ thỉnh thoảng bay qua khu vực này vào buổi sáng và các hoạt động quan sát thường được lên kế hoạch, có nghĩa là chúng ta thường tình cờ chụp ảnh được đám mây này.

Nghiên cứu này là khám phá chi tiết đầu tiên về đám mây Arsia Mons, trong khi các nhà khoa học nói rằng nó có các đặc tính tương tự như các đám mây orographic trên Trái đất. Kích thước của nó rất lớn và động lực học của nó khá sống động so với những gì chúng ta thấy trên hành tinh của chúng ta.

"Hiểu được đám mây này mang lại cho chúng tôi cơ hội thú vị để cố gắng tái tạo sự hình thành của đám mây với các mô hình. Những mô hình này sẽ nâng cao kiến thức của chúng tôi về các hệ thống khí hậu trên cả Sao Hỏa và Trái đất", nhà thiên văn học Agustin Sánchez-Lavega, từ Đại học Basque Country, cho biết.