Giải mã bí ẩn Mặt trăng bất ngờ biến mất khỏi bầu trời năm 1110

Trang Phạm

(Dân trí) - Gần một thiên niên kỷ trước, một biến động lớn đã xảy ra trong bầu khí quyển của Trái đất với một đám mây khổng lồ gồm các hạt giàu lưu huỳnh lan khắp tầng bình lưu, khiến bầu trời trở nên tối đen...

Giải mã bí ẩn Mặt trăng bất ngờ biến mất khỏi bầu trời năm 1110 - 1

Chúng ta biết sự kiện này xảy ra bởi vì các nhà nghiên cứu đã khoan và phân tích lõi băng có khả năng giữ lại các sol khí lưu huỳnh tạo ra từ các vụ phun trào núi lửa đến tầng bình lưu, lắng lại trên bề mặt.

Do đó, băng có thể lưu giữ bằng chứng về núi lửa trong khoảng thời gian cực kỳ dài, nhưng xác định chính xác ngày của một sự kiện xuất hiện trong các lớp của lõi băng vẫn là một công việc khó khăn.

Trong trường hợp này, các nhà khoa học đã giả định rằng mỏ lưu huỳnh còn lại là do một vụ phun trào lớn xảy ra vào năm 1104 bởi núi lửa Hekla của Iceland, một ngọn núi lửa có tên gọi khác là "Cổng vào Địa ngục".

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu dòng thời gian được chấp nhận của một lõi băng thực ra lại bị lệch thời gian? Một vài năm trước, một nghiên cứu đã kết luận rằng một chu kỳ thời gian có tên là Greenland Ice Core Chronology 2005 (GICC05) đã sai lệch tới bảy năm trong thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên và lên đến bốn năm sớm trong thiên niên kỷ tiếp theo.

Những phát hiện đó, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 4 năm 2020, do nhà cổ sinh vật học Sébastien Guillet từ Đại học Geneva ở Thụy Sĩ dẫn đầu đồng nghĩa với việc núi lửa Hekla không thể là thủ phạm.

Để điều tra những gì có thể đã chịu trách nhiệm cho việc để lại những dấu vết cổ xưa ở cả đỉnh và đáy của thế giới, nhóm nghiên cứu đã thu thập các tài liệu lịch sử, tìm kiếm các ghi chép thời trung cổ về các hiện tượng nguyệt thực kỳ lạ, có thể tương ứng với mây mù của tầng bình lưu.

"Các hiện tượng quang học trong khí quyển ngoạn mục liên quan đến các sol khí núi lửa ở độ cao đã thu hút sự chú ý của các nhà biên niên sử từ thời cổ đại. Đặc biệt, độ sáng được báo cáo của nguyệt thực có thể được sử dụng để phát hiện các sol khí núi lửa trong tầng bình lưu và định lượng độ sâu quang học của tầng bình lưu sau các vụ phun trào lớn. Chúng tôi lưu ý rằng không có bằng chứng nào khác về màn che bụi núi lửa, chẳng hạn như Mặt trời mờ đi, ánh hoàng hôn đỏ rực hoặc quầng mặt trời hơi đỏ, có thể được tìm thấy trong các cuộc điều tra của chúng tôi", nhóm nghiên cứu giải thích.

Nếu đúng thời điểm, thì ngọn núi lửa nào đã gây ra đám mây lưu huỳnh đó?

Mặc dù không thể biết chắc chắn, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng lời giải thích khả thi nhất là núi lửa Asama của Nhật Bản, nơi đã tạo ra một vụ phun trào khổng lồ kéo dài hàng tháng vào năm 1108 - lớn hơn đáng kể so với vụ phun trào tiếp theo vào năm 1783 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng.

Một mục nhật ký do một chính khách ghi lại đã mô tả sự kiện năm 1108: "Có một ngọn lửa với một lớp tro dày trong khu vườn của thống đốc, khắp nơi là những cánh đồng và ruộng lúa không thích hợp cho việc canh tác. Chúng tôi chưa bao giờ thấy, nó thực sự kì lạ".

Ngoài lời kể của nhân chứng, các nhà nghiên cứu cũng xem xét bằng chứng vòng cây, cho thấy năm 1109 CN là một năm đặc biệt lạnh (lạnh hơn khoảng 1 độ C ở Bắc bán cầu), dựa trên các vòng cây mỏng hơn đáng kể.

Các tài liệu lịch sử khác, đặc biệt là các tài liệu về tác động khí hậu và xã hội trong những năm 1109-1111 sau Công Nguyên, chứng thực giả thuyết rằng một vụ phun trào năm 1108 hoặc một loạt các vụ phun trào bắt đầu vào năm đó có thể dẫn đến những tác động thảm khốc đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng đề cập đến thời tiết bất lợi, mất mùa và đói kém trong những năm này. Bằng chứng tổng hợp cho thấy những khó khăn về sinh hoạt, bắt đầu từ năm 1109 đã trở thành nạn đói ở một số vùng ở Tây Âu.

Tất nhiên những khó khăn đó không thể được coi là bằng chứng cho bất kỳ sự kiện phun trào cụ thể nào, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết tất cả các bằng chứng được tổng hợp lại cho thấy một cụm núi lửa "bị lãng quên" vào năm 1108 đến 1110 sau Công Nguyên đã gây ra những hậu quả khủng khiếp cho nhân loại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm