Giải mã bí ẩn của những quả bóng bằng đá 2 triệu năm tuổi
(Dân trí) - Trong gần 2 triệu năm, người cổ đại đẽo đá thành những quả bóng tròn cỡ bằng bàn tay, nhưng các nhà khảo cổ học không biết vì sao họ làm như vậy.
Một nghiên cứu mới đây đã trả lời được câu hỏi này: người cổ đại dùng những quả bóng này làm dụng cụ lấy tủy xương trong xương động vật. Nói cách khác, nếu ví những khúc xương là một hộp đựng xúp, thì những quả bóng bằng đá này là dụng cụ mở hộp.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khảo cổ học vẫn băn khoăn chính xác thì người cổ đại dùng những quả bóng bằng đá này để làm gì, chính vì thế phát hiện nói trên rất có giá trị. Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu sau tiến sỹ của Khoa Khảo cổ và các nền văn hóa cận Đông cổ đại, Trường đại học Tel Aviv, Israel, bà Ella Assaf cho biết “nghiên cứu của chúng tôi, lần đầu tiên đã cung cấp bằng chứng mục đích sử dụng những hòn đá hình thù khó hiểu này mà người tiền sử đã tạo ra trong suốt 2 triệu năm”.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những đồ tạo tác bí ẩn, kỳ lạ này ở một số địa điểm khảo cổ lâu đời nhất của thế giới ở châu Phi, châu Âu và châu Á, nhưng không ai biết người tiền sử dùng những hòn đá này để làm gì.
Bí ẩn đã được giải đáp khi bà Assaf và nhóm nghiên cứu tình cờ phát hiện ra một bộ 30 hòn đá tròn như vậy ở hang Qesem, Israel, nơi loài người sinh sống vào khoảng 400.000 đến 200.000 năm trước. Trong số 30 hòn đá này, 29 hòn được tạc từ đá vôi hoặc đá dolomite, hoàn toàn trái ngược với hàng trăm nghìn công cụ bằng đá có trong hang được tạo ra từ đá lửa.
Các công cụ khác trong hang là một bước tiến về công cụ lao động vào thời đó, nhưng những quả bóng bằng đá này lại là công nghệ rất cũ. Trên thực tế, sự có mặt của những quả bóng này ở hang Qesem là sự hiện diện cuối cùng của loại công cụ này ở vùng Levant, vùng đất xa nhất về phía Đông của khu vực Địa Trung Hải.
Đập xương
Để giải thích bí ẩn của những quả bóng này, nhà nghiên cứu Emanuela Cristiani, một nhà khảo cổ học của Trường đại học Sapienza ở Rome, Italia, và đồng nghiệp đã dùng kính hiển vi kiểm tra các hòn đá. Họ phát hiện ra những dấu vết mài mòn và cặn hữu cơ, chứng tỏ những hòn đá này đã được những cư dân trong hang dùng để đập vỡ xương động vật và lấy tủy ra làm thức ăn.
Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành hai thí nghiệm. Trong thí nghiệm thứ nhất, họ dùng đá cuội để đập vỡ xương; thí nghiệm thứ hai, họ dùng dụng cụ của mình đẽo ra những quả bóng tròn giống bóng trong hang và dùng bóng của họ đập xương.
Sau khi đập vỡ được một số khúc xương, họ nhận ra rằng những hòn đá tròn như quả bóng có tác dụng hơn những hòn đá tự nhiên. Phát hiện này đã củng cố cho kết luận rút ra từ phân tích dưới kính hiển vi.
Bà Assaf cho biết những công cụ này cầm nắm dễ hơn, khó bị vỡ và có thể xoay chúng khi sử dụng và dùng đi dùng lại được nhiều lần vì chúng có nhiều cạnh, nhiều sườn. Dùng những quả bóng này, xương đập ra gọn hơn và tủy được lấy ra dễ dàng.
Hơn nữa, việc đập xương để lại những vết mòn trên những hòn đá thí nghiệm mà nhóm tự tạo, những vết mòn này rất giống với các vết trên những hòn đá cổ kia. Điều này khẳng định giả định ban đầu của nhóm là đúng.
Người tiền sử cũng dùng đồ cũ của người khác
Những hòn đá cổ này có lớp ngoài cùng sáng bóng do tiếp xúc với nhiều yếu tố thời gian. Lớp ngoài giống như xà cừ này khác với lớp ngoài tìm thấy ở những công cụ khác trong hang, chứng tỏ những hòn đá này đã ở một môi trường khác trong thời gian rất dài, sau đó được cư dân của hang đem về. Có vẻ như những người cổ đại sống trong hang Qesem đã sử dụng lại những hòn đá này, giống như nhiều người hiện nay mua đồ cũ về dùng.
Người cổ đại ở Qesem đã lấy những dụng cụ cũ, có sẵn này có lẽ là từ những địa điểm cư trú cổ xưa hơn và có thể là do thấy chúng có hình dáng tròn phù hợp mục đích sử dụng. Đây không phải là sự lựa chọn tình cờ, họ có chủ ý đem về để đập xương.
Tủy xương rất giàu các axit béo có trong cơ thể động vật, vì thế những hòn đá này có thể đã giúp loài người tăng nguồn năng lượng nạp vào cơ thể và giúp họ thích ứng được với cuộc sống vào cuối thời kỳ đồ đá cũ, khoảng 2,7 triệu đến 200.000 năm trước.
Phạm Hường
Theo Live Science