Giả thuyết của Albert Einstein được chứng minh sau hơn một thế kỷ
(Dân trí) - Đường zig-zag Einstein có thể giúp giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của vũ trụ học.
Theo Live Science, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) để khám phá ra một hiện tượng từng được cho là giả thuyết.
Nó có tên gọi là "Einstein zig-zag", hay đường zig-zag của Einstein. Giả thuyết cho rằng, ánh sáng từ một vật thể trong vũ trụ xa xôi có thể đi qua 2 điểm không-thời gian cong vênh khác nhau.
Sở dĩ điều này xảy ra là vì sự tồn tại của các thấu kính hấp dẫn. Theo Albert Einstein, ánh sáng từ một vật thể ở xa dường như bị bẻ cong khi đi qua không-thời gian, do chịu lực hấp dẫn cực lớn của một thấu kính hấp dẫn, đã kéo nó ra khỏi đường di chuyển ban đầu.
Chúng tạo thành các quầng sáng, được gọi là vòng Einstein - đặt theo tên nhà khoa học lỗi lạc, cũng là người đầu tiên dự đoán sự tồn tại của thấu kính hấp dẫn thông qua thuyết tương đối rộng của ông vào năm 1915.
Nguồn sáng giúp các nhà khoa học thành công chứng minh giả thuyết của Einstein có tên gọi là J1721+8842, từng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2017.
Vào thời điểm đó, hệ thống này xuất hiện với 4 điểm sáng riêng biệt, được ghi nhận là hình ảnh phản chiếu của một chuẩn tinh (quasar) xa xôi.
Năm 2022, các nhà nghiên cứu tìm thấy thêm 2 điểm sáng khác, xuất hiện mờ hơn một chút so với 4 điểm còn lại. Họ nghi ngờ rằng đây là ánh sáng phản chiếu từ một cặp chuẩn tinh liền kề, hay còn gọi là chuẩn tinh nhị phân.
Tới nay, trong một nghiên cứu được công bố ngày 8/11, các nhà khoa học xác nhận cả 6 điểm trên đều là hình ảnh phản chiếu của một chuẩn tinh duy nhất.
Trong đó, 2 điểm sáng được phát hiện vào năm 2022 là ánh sáng được hội tụ xung quanh một vật thể lớn, nằm cách xa vật thể đầu tiên. Đây là nguyên nhân tạo ra hiện tượng vòng Einstein mờ nhạt, và được Kính viễn vọng Không gian James Webb ghi lại.
Nhóm nghiên cứu gọi hệ thống thấu kính cực kỳ hiếm gặp này là đường zig-zag Einstein, vì ánh sáng từ một số điểm nhờ thấu kính kép, đã chuyển động qua lại khi đi qua cả hai thiên hà.
Các vật thể có chứa hệ thống thấu kính hấp dẫn, chẳng hạn như vòng Einstein, luôn được các nhà thiên văn và vũ trụ học đánh giá cao.
Nguyên nhân là bởi, nguồn gốc của chúng có thể giúp tiết lộ khối lượng của các thiên hà mà chúng đi qua.
Không chỉ vậy, chúng còn có thể tiết lộ những bí mật của vũ trụ, như danh tính của vật chất tối, hay cách năng lượng tối thúc đẩy sự giãn nở của vũ trụ.