1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Gấu lai khác thường đang dần chiếm hữu Bắc Cực

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết những con gấu Bắc Cực có nguy cơ tuyệt chủng đang giao phối với những con gấu xám, tạo ra những con gấu lai khác thường. Điều này được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu.

Gấu lai khác thường đang dần chiếm hữu Bắc Cực - 1
Một con gấu lai trong điều kiện nuôi nhốt.

Khi thế giới ấm lên, những con gấu Bắc Cực bị dồn về phía nam xa hơn, nơi chúng gặp những con gấu xám, có phạm vi đang mở rộng về phía bắc. Với sự tiếp xúc ngày càng tăng giữa hai loài, chúng giao phối nhiều hơn, dẫn đến việc sản sinh ra giống gấu lai mới hoàn toàn.

"Thông thường những con lai không phù hợp với môi trường sống hơn bố mẹ của chúng, nhưng có khả năng những con lai này có thể kiếm được nhiều nguồn thức ăn hơn. Gấu Bắc Cực có hộp sọ dài hơn, điều này khiến chúng trở thành chuyên gia bắt hải cẩu ngoài biển", Larisa DeSantis, nhà cổ sinh vật học và phó giáo sư khoa học sinh học tại Vanderbilt cho biết.

Gấu xám và gấu Bắc Cực chỉ mới tách ra khoảng 500.000 đến 600.000 năm trước, vì vậy hai loài này có thể giao phối chéo và sinh ra những thế hệ con cái mới.

Các quan sát được thực hiện trong điều kiện nuôi nhốt và một nghiên cứu được thực hiện trong tự nhiên cũng cho thấy những con lai có khả năng sinh sản và tự sinh ra con non.

Lần đầu tiên gấu lai được bắt gặp là năm 2006, khi một thợ săn bắn chết thứ mà anh ta nghĩ là gấu Bắc Cực ở lãnh thổ Tây Bắc của Bắc Cực thuộc Canada.

Khi quan sát kỹ hơn, thợ săn phát hiện ra một con vật hoàn toàn khác thường. Đó là một con gấu có bộ lông màu trắng kem của gấu Bắc Cực nhưng móng vuốt dài, lưng có bướu, mặt nông và những mảng màu nâu của một con gấu xám.

Các xét nghiệm ADN xác nhận rằng con vật là con lai hoang dã đầu tiên được ghi nhận giữa gấu Bắc Cực và gấu xám.

Kể từ đó, việc nhìn thấy các con lai khác thường ngày càng tăng. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy có tới tám con lai sinh ra từ một con gấu Bắc Cực cái giao phối với hai con gấu xám.

Theo một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Biology Letters, sự sụp đổ của loài gấu Bắc Cực thực sự đáng lo ngại. Số lượng của chúng được dự đoán sẽ giảm hơn 30% trong 30 năm tới. Sự sụp đổ dồn dập này một phần có liên quan đến sự xâm lấn của gấu xám, những kẻ cạnh tranh nguồn thức ăn thay thế.

Theo DeSantis, các loài động vật nói chung như sói đồng cỏ và báo sư tử là những loài sống sót tốt nhất sau sự thay đổi nhanh chóng của môi trường, chứ không phải những loài săn mồi có "chuyên môn" cao như gấu Bắc Cực.

"Gấu Bắc Cực tiêu thụ thức ăn mềm ngay cả trong Thời kỳ ấm Trung Cổ, thời kỳ ấm lên nhanh chóng trước đó. Chế độ ăn của chúng không thay đổi nhiều. Đó là lý do tại sao những gì chúng ta đang thấy bây giờ khi tất cả những con gấu Bắc Cực sắp chết đói cố gắng tìm nguồn thức ăn thay thế. Nó cho thấy điểm tới hạn", DeSantis nói.

Mặc dù gấu Bắc Cực có thể điều chỉnh chế độ ăn uống của chúng bao gồm trứng chim biển và tuần lộc khi ở trên cạn, nhưng lượng calo chúng thu được từ những nguồn này không cân bằng với lượng calo chúng đốt cháy khi kiếm ăn.

Tất cả những điều này có thể dẫn đến một môi trường sống sẵn sàng cho các con lai di chuyển đến và tiếp quản, dẫn đến mất đa dạng sinh học nếu gấu Bắc Cực bị thay thế.