1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Frankenstein: Những thí nghiệm có thật đã truyền cảm hứng cho khoa học viễn tưởng

(Dân trí) - Ngày 17/01/1803, một người đàn ông trẻ tuổi tên là Gerge Forster bị treo cổ vì tội giết người ở London, Anh. Như thường lệ, sau khi chết, xác của Forster bị đem bêu khắp thành phố rồi đem đến Trường đại học Phẫu thuật Hoàng gia để phanh thây trước công chúng. Tuy nhiên, khác với mọi lần, trường hợp của Forster lại bị chích điện.


Các thí nghiệm của Giovanni Aldini với xác chết của con người.

Các thí nghiệm của Giovanni Aldini với xác chết của con người.

Thí nghiệm này do nhà triết học tự nhiên người Ý có tên Giovanni Aldini thực hiện. Giovanni Aldini là cháu của Luigi Galvani – người phát hiện ra điện thân thể vào năm 1780 và tên ông được đặt cho cách chữa bệnh bằng điện châm (galvanism). Aldini đặt xác của Forster trên một tấm gỗ và thực hiện thí nghiệm với sự giúp đỡ của các trợ lí.

Tờ “Thời báo” khi đó miêu tả “Lần chích điện đầu tiên vào vùng mặt, hàm của xác chết bắt đầu giật giật, các cơ liên quan gồng cuộn khủng khiếp và một mắt mở hẳn ra. Khi chích vào tay thì tay phải giơ lên và gập lại, vào chân thì hai chân và đùi chuyển động.”

Đối với một số người tận mắt chứng kiến thí nghiệm thì trông như thể người đàn ông khốn khổ đó bắt đầu sống lại.

Vào thời gian Aldini tiến hành thí nghiệm trên, ý nghĩ cho rằng có một mối quan hệ mật thiết khác thường giữa điện năng và các quá trình của sự sống đã xuất hiện được 1 thế kỉ rồi. Nhà bác học Isaac Newton cũng đã nghiên cứu về vấn đề này từ đầu những năm 1700.

Vào năm 1730, nhà thiên văn học người Anh đồng thời là một thợ nhuộm tên là Stephen Gray đã mô phỏng qui tắc điện dẫn. Gray treo một cậu bé mồ côi bằng dây lụa lơ lửng trong không trung, và đặt một ống điện tích dương gần chân cậu bé để tạo ra điện tích âm ở hai chân cậu. Sự cách li điện như vậy đã tạo ra điện tích dương ở các đầu cuối cơ thể đứa trẻ khiến cho chiếc đĩa đựng những chiếc lá bằng vàng ở gần đó bị hút vào đầu các ngón tay của cậu bé.

Năm 1746 ở Pháp, Jean Antoine Nollet đã làm trò tại tòa án ở thành phố Versailles bằng việc làm cho cả đoàn lính gác của hoàng gia gồm 180 người phải nhảy thót lên cùng một lúc khi cho dòng điện chạy qua cơ thể họ.

Đối với Aldini, ông đã tiến hành thí nghiệm trên xác của tử tù Forster để bảo vệ học thuyết của bác mình trước sự tấn công của các đối thủ như là Alessandro Volta.

Volta cho rằng điện cơ thể được sản sinh do sự tiếp xúc của các kim loại chứ không phải trong các cơ thể sống. Tuy nhiên, cũng có một số nhà triết học tự nhiên thì thấy đồng tình với các nhận định của Galvani. Alexander von Humboldt đã thí nghiệm bằng bộ tích điện làm hoàn toàn từ cơ thể sống. Johannes Ritter thậm chí còn tiến hành thí nghiệm chích điện trên chính cơ thể mình để tìm hiểu sự ảnh hưởng của điện đối với các giác quan.

Ý nghĩ cho rằng điện thực sự là một yếu tố của sự sống và có thể dùng điện để làm người chết sống lại trở thành một trong những ý tưởng để Mary Wollstonecraft Shelley sáng tác ra nhân vật Frankenstein.

Các thí nghiệm của Aldini trên xác chết của Forster đã thu hút được sự chú ý mạnh mẽ. Một số nhà bình luận cười cợt vào ý tưởng điện có khả năng hồi phục sự sống, một số khác thì thấy ý tưởng này rất nghiêm túc.

Một trong số các trợ lí của Aldini cho rằng điện châm là một nguyên lí cấp điện cho một vật tạo nên đường ranh giới giữa cơ thể và linh hồn, được tạo ra trong chuỗi sáng tạo vĩ đại, là mối liên kết không tách rời giữa vật chất hữu hình và bản chất của sự sống.

Năm 1814, nhà phẫu thuật người Anh tên là John Abernethy cũng đã đề cập rất nhiều đến vấn đề này qua những bài giảng của ông tại Trường đại học Phẫu thuật Hoàng gia. Ông cho rằng điện năng là nguồn lực thiết yếu để giải thích các quá trình của sự sống. Trong khi đó đồng nghiệp của ông là William Lawrence thì hết sức phản đối. Mary (tác giả của Frankenstein) biết rõ quan điểm trái ngược của hai nhà khoa học này vì Lawrence là bác sĩ của Mary.

Truyện Frankenstein của Mary được xuất bản năm 1818. Khi đó người đọc đã biết đến khái niệm cho rằng sự sống có thể được tạo ra hoặc được phục hồi bằng điện.

Chỉ vài tháng sau khi cuốn sách ra đời, nhà hóa học người Scotland tên là Adrew Ure đã tiến hành thí nghiệm trên xác của Mathew Clydesdale, tử tù mang tội giết người.

Ure đã viết “tất cả mọi cơ mặt đồng thời co rút rất đáng sợ; cáu giận, điên cuồng, thất vọng, đau khổ, và nụ cười khiếp đảm, tất cả thể hiện trên khuôn mặt của kẻ sát nhân".

Ure nhận xét thí nghiệm khủng khiếp đến mức một số người xem bị buộc phải rời khỏi phòng và một quí ông đã bị ngất xỉu. Có thể cuốn truyện của Mary đã có ảnh hưởng đến suy nghĩ của Ure trong quyết định tiến hành thí nghiệm của ông.

Đối với cách nhìn hiện đại ngày nay thì hiện tượng Frankenstein có vẻ kì quặc, nhưng thời đó đối với tác giả và người đọc thì không có gì là kì quặc cả. Cũng giống như tất cả mọi người ngày nay đều biết về trí tuệ nhân tạo (AI), thì thời đó độc giả của các tác phẩm này được biết đến tác động của điện lên cơ thể sống. Và cũng như AI đang tạo ra những luồng ý kiến và tranh luận phong phú thì ngày ấy điện sống cũng gây ra hiện tượng như vậy.

Khoa học ẩn sau trường hợp Frankenstein nhắc nhở chúng ta rằng những tranh cãi hiện nay có lịch sử lâu đời rồi và các chủ đề của các cuộc tranh cãi xuất phát từ trường hợp kì lạ đó.

Trong thế kỉ XIX, người ta bắt đầu nghĩ về tương lai như một đất nước khác lạ, được tạo ra bởi khoa học và công nghệ. Các tiểu thuyết như Frankenstein, trong đó các tác giả xây dựng tương lai bằng những chất liệu lấy từ hiện tại của họ, là một phần quan trọng trong cách nghĩ mới mẻ về tương lai.

Phạm Hường (Theo Live Science)