1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Em bé nhỏ nhất thế giới sống sót kì diệu dù có kích thước chỉ bằng một… quả táo

(Dân trí) - Một em bé sơ sinh ở San Diego (Mỹ) có biệt danh "Saybie" là em bé sinh non nhỏ nhất thế giới vẫn còn sống sót.

Saybie được sinh ra ở San Diego với trọng lượng chỉ 245 gram, có kích thước bằng một quả táo lớn, theo thông tin từ Bệnh viện Phụ nữ & Trẻ sơ sinh Sharp Mary Birch, bệnh viện em bé được sinh ra. Saybie là đứa trẻ sinh non nhỏ nhất thế giới được ghi nhận.

Em bé nhỏ nhất thế giới sống sót kì diệu dù có kích thước chỉ bằng một… quả táo - 1
Kỷ lục em bé sơ sinh siêu nhỏ vẫn sống sót một cách kì diệu mới được xác lập.

Hiện tại, 5 tháng sau khi sinh, Saybie - biệt danh được các y tá đặt cho em bé, vẫn khỏe mạnh một cách kì diệu và cuối cùng đã được phép rời khỏi bệnh viện, nặng 2,5 kg. Tên thật của cô bé vẫn được gia đình giấu kín để cô bé lớn lên có một cuộc sống bình thường.

Saybie được sinh ra bằng phương pháp mổ khi mới chỉ 23 tuần 3 ngày tuổi, sau khi mẹ cô bé trải qua các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.

"Đó là ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi. Huyết áp của tôi rất, rất cao. Họ nói phải sinh con thật nhanh”, mẹ của Saybie nói trong đoạn video do bệnh viện công bố.

Gia đình được thông báo rằng họ có thể sẽ chỉ có 1 giờ với bé gái trước khi bé không qua khỏi. Nhưng phép màu đã xảy ra, Saybie vẫn sống sót một cách khó tin.

Cân nặng khi sinh của Saybie thấp hơn 7 gram so với người giữ kỷ lục "em bé nhỏ nhất" trước đó, một em bé được sinh ra ở Đức vào năm 2015. Vào tháng 2/2019, các bác sĩ đã báo cáo sự ra đời của một bé trai nhỏ nhất còn sống, nặng 268 gram khi sinh.

Saybie đã trải qua hầu như tất cả các thách thức y tế liên quan đến những nguy cơ rủi ro với những người sinh trước 28 tuần, có thể bao gồm chảy máu não và các vấn đề về phổi và tim, bệnh viện cho biết.

"Chúng tôi làm mọi thứ chúng tôi biết, cách làm tốt nhất có thể, và sau đó thực sự phụ thuộc vào bản năng sinh tồn tự thân của bé", Spring Bridges, một y tá tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của Sharp Mary Birch (NICU), nói.

Trong vài năm tới, Saybie vẫn sẽ thường xuyên đến phòng khám theo dõi của bệnh viện để các bác sĩ tư vấn các mốc phát triển của bé cho gia đình theo dõi kỹ càng.

Khôi Nguyên

Theo Live Science