Đột phá về năng suất nhờ cấy lúa hiệu ứng hàng biên
(Dân trí) - Giảm được ít nhất 1/3 chi phí công lao động, giống, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón nhưng năng suất lại tăng lên được 10-20%... Đây là những lợi ích to lớn mà công trình nghiên cứu cấy lúa hàng biên của kỹ sư Chu Văn Tiệp - Trung tâm Tư vấn đào tạo và Chuyển giao tiến bộ KH&CN thuộc Hội Sinh học Hà Nội mang lại cho bà con nông dân.
Điểm đặc thù của phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên là biến mọi khóm lúa trong ruộng đều thành khóm ven bờ, mỗi m2 chỉ cấy 8-16 khóm tùy đặc điểm riêng của giống về chiều cao, dạng hình tán lá, sức đẻ nhánh… thay vì cấy 40-50 khóm theo các phương pháp thông thường. Cứ hai hàng lúa cách nhau 18-25 cm cách nhau một khoảng trống rộng 38-65cm.
Phương pháp này được cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 9/2015, được trao Giải thưởng Vifotec năm 2015. Tại Hội chợ triển lãm Khoa học và Công nghệ quốc tế được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2016, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được Hàn Quốc trao huy chương đồng và Thái Lan trao huy chương vàng.
Lợi ích đột phá của phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được nhiều hộ nông dân ở Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam… khẳng định trong chương trình “Giao lưu nông dân - nhà khoa học về phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên” do Báo Khoa học và Phát triển, UBND huyện Vĩnh Bảo và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng ngày 11/6.
Chương trình giao lưu này có sự tham gia của những nông dân có nhu cầu tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật mới đến từ Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng; đại diện hợp tác xã, các hộ nông dân từng áp dụng cấy hàng biên và các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp như: GS-TSKH Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, GS-TS Nguyễn Ngọc Kính -nguyên Vụ trưởng vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, tác giả của hơn 30 giống lúa tốt, trong đó nhiều giống lúa đã được áp dụng cấy hàng biên, TS Nguyễn Văn Biếu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Hà Nội…
Kiểm chứng bằng thực tiễn
Trước khi tham dự chương trình giao lưu, các nhà khoa học cùng các nông dân ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng đã trực tiếp đi tham quan ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch của các hộ nông dân tại xã Tam Cường. Không khó để nhận ra sự khác biệt lớn giữa việc cấy lúa hàng biên so với cấy thông thường.
Các nhà khoa học cùng với nông dân các tỉnh Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình tham quan ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch của các hộ nông dân tại xã Tam Cường.
Ông Nguyễn Trọng Nhưỡng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo chia sẻ: “Năm 2014 chúng tôi đưa kỹ thuật cấy hàng biên về huyện, vào thời điểm đó chỉ có 8 hộ nông dân mạnh dạn áp dụng, nhưng nay diện tích cấy lúa hàng biên đã được mở rộng lên đến hơn 1.000 ha mỗi vụ. Điều này cho thấy bà con nông dân thấy hiệu quá, thấy có lợi nên áp dụng bởi huyện không hỗ trợ về giống hay vật tư mà chỉ mời các chuyên gia cũng như tác giả sáng chế về tư vấn kỹ thuật mà thôi”
Không khó để nhận thấy sự khác biệt vượt trội giữa cấy lúa hàng biên với phương pháp cấy thông thường.
Bông lúa đối với giống J02 khi cấy bằng phương pháp thông thường.
Bông lúa đối với giống J02 khi cấy bằng phương pháp hàng biên.
Đồng quan điểm đánh giá cao phương pháp cấy lúa hàng biên, Anh Triều, cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện Vĩnh Bảo cho biết: Đây là lần đầu tiên xã áp dụng cấy hàng biên và đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt với việc giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong khi năng suất lại cao, dự kiến lên tới 8,5-9 tấn/ha. Tỷ lệ hạt chắc được khuyến cáo của giống lúa này là 90-120 hạt/bông. Tuy nhiên thực tế chúng tôi đếm được từ 145-170 hạt/mỗi bông. Lúa cấy theo hiệu ứng hàng biên cũng đẻ nhánh khỏe hơn hẳn so với diện tích ruộng đối chứng, có khóm tới 42 bông.
Những lời chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, anh Triều tiếp tục được kiểm chứng bởi các hộ nông dân khi tham gia chương trình giao lưu sau đó.
Ông Nguyễn Văn Lý - Chủ nhiệm HTX Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, nơi đã trải qua nhiều vụ áp dụng cấy hàng biên khẳng định: Đây là một phương pháp đột phá về khoa học mang lại năng suất cao cho cấy lúa.
“Trước chúng tôi cấy khoảng 45 khóm/m2, nay chỉ cấy 12 khóm/m2, giúp tiết kiệm rõ rệt về giống, công gieo, công cấy, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nên không những giảm chi phí mà còn giúp bảo vệ môi trường đất, trong khi sản lượng tăng 15-20%” – Ông Lý nói.
Cũng theo ông Lý, nông dân Cộng Hiền bắt đầu cấy máy với máy cấy của Nhật từ năm 2012, trước khi ứng dụng cấy hàng biên. Sau khi hạch toán, chúng tôi thấy hiệu quả của cấy hàng biên vẫn cao hơn 6-7%, trong khi cấy máy thì phải đầu tư máy móc với số tiền lớn, không tận dụng được công lao động. Máy cấy cũng không vào được các chân ruộng trũng.
Cần có một đề tài cấp nhà nước về cấy lúa hàng biên
Theo GS-TSKH Trần Duy Quý, cấy thưa giúp tận dụng ánh sáng chiếu vào gốc, thân, lá, kích thích các chồi mắt phát triển nên lúa đẻ sớm, đẻ khoẻ, ít sâu bệnh. Việc chỉ ra được quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm này giúp nông dân giảm 1/3 chi phí công lao động, thuốc trừ sâu, phân bón nhưng năng suất lại tăng 10-20%. Chi phí làm ra một cân thóc giảm 500-1.000 đồng so với các cách cấy khác.
GS-TSKH Trần Duy Quý đánh giá cao phương pháp cấy lúa hàng biên và khẳng định việc nhân rộng sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Cấy lúa hàng biên không phải là một cái gì đó mới nhưng ở đây tác giả đã tìm ra được công thức để áp dụng cho từng giống lúa khác nhau, đây chính là bước đột phá” – GS Quý nói.
Cũng theo GS Quý, việc nhân rộng phương pháp này đến nông dân cả nước sẽ gặp nhiều khó khăn bất chấp nó mang lại năng suất và lợi nhuận cao bởi chưa có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Từng nhiều năm công tác tại Bộ Nông nghiệp &PTNT, GS.TS Nguyễn Ngọc Kính đã sớm nhìn ra tính mới trong phương pháp cấy lúa hàng biên.
“Khi giống lúa được công nhận, chỉ cần mô tả đặc điểm sinh học của giống, chiều cao bao nhiêu, tốc độ đẻ nhánh ra sao…, kỹ sư Tiệp sẽ tính được công thức và đưa ra yêu cầu chiều rộng bao nhiêu, hàng sông, hàng con bao nhiêu. Thực tế nhiều tỉnh, thành đã có các hộ nông dân làm theo và khẳng định rõ ràng năng suất tăng 15-20% tùy giống” – GS Kính cho biết.
GS Kính cũng cho rằng, phương pháp cấy lúa hàng biên đã được khẳng định cho năng suất cao, giảm sâu bệnh, chi phí đầu vào thấp. Tuy nhiên, để cấy lúa hàng biên được công nhận là kỹ thuật quốc gia thì việc đoạt giải Vifotec là không đủ mà cần một đề tài cấp nhà nước.
“Tôi nghĩ chỉ cần đầu tư hơn 1 tỷ đồng thì chúng ta có thể triển khai thí nghiệm trên diện rộng. Nếu phương pháp này được chứng minh trên diện rộng là cho năng suất vượt trội so với thông thường và kết quả được nghiệm thu cấp nhà nước thì không có lý do gì không nhân rộng. Từ kết quả này, tác giả trình diễn quy mô lớn hàng trăm hécta trên nhiều giống khác nhau, sau đó lập hội đồng thẩm định, xây dựng mô hình để người dân đến học tập” – GS Kính nhấn mạnh.
Nguyễn Hùng