Động vật có biết cười như con người hay không?
(Dân trí) - Tiếng cười luôn là một trong những điều tươi đẹp nhất trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, đó có phải là món quà mà thiên nhiên ban tặng duy nhất cho con người? Động vật liệu có thể cười như chúng ta hay không?
Muốn biết được động vật có khả năng cười như con người hay không, trước tiên chúng ta cần nắm được khái niệm của “tiếng cười” trên góc độ khoa học.
Tiếng cười có thể được hiểu là một phản ứng vật lý của con người để phản ứng lại với kích thích xã hội từ bên ngoài (như khiếu hài hước của ai đó) hoặc kích thích vật lý từ bên trong (như bị cù nôn) để thể hiện trạng thái cảm xúc thoải mái, vui mừng hay đồng thuận…
Vậy tiếng cười liệu có phải chỉ dành riêng cho con người chúng ta? Câu trả lời là “Không!”.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh được rằng nhiều loài động vật cũng có khả năng cười như con người. Hãy bắt đầu với những người “họ hàng” có cùng tổ tiên với chúng ta đó là tinh tinh và khỉ đột.
Tinh tinh và khỉ đột
Trong một nghiên cứu của nhà khoa học Charles Darwin về “Biểu hiện cảm xúc của con người và động vật” năm 1872, ông đã quan sát thấy rằng tinh tinh và khỉ đột – những người họ hàng gần gũi nhất với chúng ta có thể phát ra một âm thanh rất giống với tiếng cười khi bị trêu đùa và cù nôn.
Động vật có biết cười như con người hay không?
Nhiều thập niên sau, một nghiên cứu tương tự tại Đại học Hannover, Đức của Davila Ross cũng đưa ra kết luận rằng những âm thanh này rất giống với tiếng cười của con người. Cô cho biết các loài linh trưởng đã trải qua 10-16 triệu năm để phát triển khả năng này.
Loài linh trưởng đã trải qua 10-16 triệu năm để phát triển khả năng phát ra tiếng cười này.
Chó
Bạn đã bao giờ nghe thấy con cún cưng của mình phát ra tiếng cười bao giờ chưa? Nếu chưa thì cũng đừng quá thất vọng vì có thể bạn không nhận ra điều đó.
Năm 2001, nhà động vật học chuyên nghiên cứu hành vi của động vật tên là Patricia Simonet đã tiến hành phân tích âm thanh mà con cún cưng của cô tạo ra trong suốt quá trình chơi đùa.
Bằng cách sử dụng phân tích phổ hồng ngoại, cô đã nhận thấy trong quá trình chơi đùa, bên cạnh các âm thanh sủa, gầm gừ, rên rỉ hay thở hổn hển, chú chó của mình còn phát ra một âm thanh đặc biệt khi nó ở trạng thái vui.
Cô tiếp tục tiến hành thí nghiệm trên nhiều con chó khác và đã thu được kết quả tương tự. Simonet đã phân tích âm thanh này trên một thiết bị đo sóng âm thanh và kết luận rằng âm thanh đặc biệt mà loài chó phát ra trong trạng thái vui đó được xem như tiếng cười của chúng.
Chó cũng phát ra âm thanh được xem như tiếng cười của con người khi ở trạng thái vui.
Chuột
Ngay cả những con chuột cũng được xem là có thể phát ra tiếng cười. Vào những năm cuối thập niên 1990, nhà thần kinh học Jaak Panksepp của Đại học Thú y Bowling Green đã phát hiện ra rằng khi ông kích thích vùng gây nôn ở chuột, loại gặm nhấm này cũng phát ra tiếng “chít chít” cao bất thường.
Khi nghiên cứu sâu hơn, tiếng “chít chít” khác thường này là một siêu âm thanh có tần số cao 50 kilohertz, khác biệt với các tiếng kêu thông thường từng được ghi nhận ở chuột. Theo một báo cáo đã công bố, các nhà nghiên cứu tin rằng đây là một hình thức cười ở loài gặm nhấm này.
Các loài động vật khác
Một số loài động vật khác cũng được phát hiện có khả năng phát ra âm thanh đặc biệt khi bị kích thích vật lý hoặc trong trạng thái chơi đùa vui vẻ, có thể kể đến như loài cá heo, chim cánh cụt, lạc đà hay chim cú mèo…
Mặc dù âm thanh mà chúng phát ra không giống như tiếng cười của con người nhưng các nhà khoa học tin rằng đó là một hình thức cười ở động vật.
Đoàn Dương (Theo Howstuffworks/ScienceABC/BBC)