Độc đáo máy hỗ trợ tập cầu lông của cậu học sinh lớp 9

(Dân trí) - Nhiều lần muốn chơi cầu lông nhưng không có bạn chơi cùng, Nam nảy ra ý tưởng làm một chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông. Từ đó, cậu học trò tự mày mò sáng chế ra chiếc máy và thành công ngoài sự mong đợi.

Học sinh có sáng chế độc đáo này là em Hứa Phương Nam, lớp 9B trường THCS Sơn Hà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Nhờ có sáng chế này mà Nam giành được nhiều giải thưởng lớn như: Giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2016 – 2017 khu vực phía Bắc; Giải Nhất cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình…

Độc đáo máy hỗ trợ tập cầu lông của cậu học sinh lớp 9

Trước khi gặp và trò chuyện với Nam, chúng tôi được cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Hà hết lời khen ngợi “cậu học trò cưng” của trường. Cô Oanh tâm sự, Nam không chỉ chăm ngoan, học giỏi mà còn rất thông minh, có niềm đam mê sáng chế khoa học.

“Em Nam rất sáng tạo và am hiểu về khoa học kỹ thuật. Giải thưởng của Nam đã đem lại vinh dự lớn cho nhà trường, vì từ trước đến nay chưa có học sinh nào của trường đạt được giải thưởng cao đến như vậy”, cô Oanh nói.

Nói về chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông của mình, Nam chia sẻ: “Lúc đầu em cũng chỉ định làm ra máy để mỗi khi chơi cầu lông không cần đến bạn em vẫn có thể chơi được”.

Nam lý giải, trong một lần đang chơi cầu lông với bạn, sau đó người bạn có việc gấp phải đi nên không có ai chơi cùng. Từ đó, em nảy ra ý tưởng sẽ làm một chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông để không phụ thuộc vào ai.

Em Hứa Phương Nam bên chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông của mình
Em Hứa Phương Nam bên chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông của mình

Nghĩ và bắt tay vào làm luôn, cậu học trò lớp 9 lên mạng tìm hiểu những thông tin, kiến thức liên quan đến chiếc máy, sau đó tự mày mò sáng chế để chiếc máy đúng theo ý mình. “Em bắt đầu làm máy bằng việc lấy hết tiền tiết kiệm được để mua chiếc mô tơ điện. Lúc này em không dám nói với bố mẹ nên mọi công việc để làm ra chiếc máy em đều giấu kín”, Nam nói.

Cô Phạm Thị Hồng (mẹ Nam) kể, thấy con cứ lúi húi trên phòng, lúc nào cũng như có chuyện gì đang giấu giếm bố mẹ, có lần không ăn uống gì, lại còn thức khuya nữa vợ chồng tôi đâm ra lo lắng. “Một hôm có người thợ hàn gần nhà đến nói chuyện và hỏi tiền công cháu Nam thuê làm máy, khi đó tôi mới biết con đang làm cái máy này”, cô Hồng nói.

Cũng theo mẹ em Nam, lúc đầu cả hai bố mẹ đều rất giận và không đồng ý với những gì con trai đang làm. Sau được con giải thích cũng như thấy con có niềm đam mê thực sự nên vợ chồng cô đã đồng ý và cho con tiền để làm ra chiếc máy... chẳng giống ai.

Những ngày đầu, chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông của Nam chỉ thô sơ gồm 4 cọc sắt đứng thẳng, hàn vào một chân đế, bên trên những chiếc cọc này là chiếc mô tơ gắn 2 chiếc vợt cầu lông. Khi muốn cho máy phát được cầu thì phải thả quả cầu từ trên cao xuống. Có lúc Nam đặt máy phía dưới sau đó trèo lên cây thả cầu xuống.

Các bộ phận của máy đều được Nam tự mày mò sáng chế ra.
Các bộ phận của máy đều được Nam tự mày mò sáng chế ra.

Thấy không ổn, vì máy hỗ trợ tập cầu lông nhưng lại phải cần đến người hỗ trợ Nam tiếp tục mày mò, để làm ra bộ phận “nhả” cầu. Lúc đầu là bán tự động, sau đó hoàn thành được việc “nhả” cầu tự động. Các quả cầu sẽ rơi vào trúng vợt và được đánh đến hướng người chơi.

Hoàn thiện được phần nào chiếc máy, Nam mạnh dạn xin đăng ký dự thi cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Vượt qua cấp huyện, lên tỉnh dự thi, chiếc máy của Nam được hội đồng đánh giá cao về ý tưởng cũng như sản phẩm và đã trao giải Nhất (cuộc thi Sáng tạo KHKT tỉnh Ninh Bình), chọn đi thi cấp quốc gia.

Nhận được giải cấp tỉnh, Nam kỷ niệm lại nhà trường chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông vừa đạt giải để phục vụ cho việc dạy học của trường. Sau đó, Nam dành toàn bộ số tiền thưởng, làm ra một chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông mới gọn gàng, đẹp hơn chiếc máy cũ… để đi dự thi quốc gia.

Thầy và trò trường THCS Sơn Hà, huyện Nho Quan sử dụng máy hỗ trợ tập cầu lông vào học tập.

“Chiếc máy đầu tiên em làm cồng kềnh và thô, tuy nhiên hoạt động cũng rất trơn tru. Máy vẫn còn một số hạn chế nên em quyết định làm chiếc máy mới hiện đại hơn để khi tháo lắp cũng được dễ dàng hơn. Em không nghĩ chiếc máy của em khi đi thi cấp quốc gia lại đạt giải cao đến thế”, Nam nói.

Nói về nguyên lý hoạt động của chiếc máy, Nam cho biết, máy gồm 3 phần: Thân máy, bộ phận chuyển động và bộ phận “nhả” cầu. Tất cả đều được điều khiển bằng hệ thống bảng điện và sử dụng nguồn điện 220V. Tùy theo nhu cầu của người sử dụng mà chỉnh máy ở chế độ tự động hay bán tự động. Cầu sẽ được máy phát ra nhiều hướng khác nhau để người chơi di chuyển hợp lý và linh động hơn.

Bảng điều khiển của chiếc máy
Bảng điều khiển của chiếc máy

Sau khi giành được giải cao ở cuộc thi cấp quốc gia, Nam cho biết sẽ tiếp tục suy nghĩ để sáng chế ra một chiếc máy mới để dự thi cho những năm học cấp 3. Được biết, khi còn học lớp 7, cậu học trò này cũng đã tự mày mò sáng chế ra chiếc máy rửa bát, tuy nhiên máy còn nhiều hạn chế nên sau đó em từ bỏ ý định.

“Thấy con đam mê nên gia đình cũng ủng hộ. Tuy nhiên, sáng chế chỉ là một sân chơi để thử sức mình, còn nhiệm vụ chính vẫn là mong con cố gắng học giỏi các môn học khác. Mục tiêu là phải thi đậu cấp 3”, mẹ em Nam nói.

Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm