Đồ chơi bằng nhựa có thể chứa hơn 100 chất độc đối với trẻ em

Phạm Hường

(Dân trí) - Nhiều năm qua, các nhà khoa học luôn quan ngại về các hóa chất độc hại có trong đồ chơi bằng nhựa.

Đồ chơi bằng nhựa có thể chứa hơn 100 chất độc đối với trẻ em - 1

Một nghiên cứu mới trên quy mô toàn cầu phát hiện ra hơn 100 hóa chất trong các nguyên liệu làm đồ chơi nhựa có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ em.

Nhà nghiên cứu Peter Fantke ở Trường đại học Kỹ thuật Đan Mạch cho biết "trong số 419 hóa chất tìm thấy trong các nguyên liệu nhựa cứng, mềm và xốp dùng để sản xuất đồ chơi cho trẻ em, chúng tôi tìm thấy 126 chất có khả năng gây bệnh ung thư hoặc các tác hại khác không phải là ung thư".

Mặc dù luật pháp ở nhiều nước cấm sử dụng một số chất có khả năng gây độc trong đồ chơi bằng nhựa, nhưng không có sự thống nhất trên phạm vi quốc tế, các chất độc hại trong nguyên liệu làm đồ chơi cho trẻ em không bị cấm hoàn toàn. Bên cạnh đó, một số phụ gia độc hại bị cấm sử dụng vẫn được tìm thấy trong đồ chơi bằng nhựa ngay cả ở những nước có quy định rõ ràng, ví dụ như trường hợp tái chế nhựa nhiễm độc, nhà sản xuất vô tình không biết rõ thành phần của nguyên liệu, hoặc các nước sản xuất đồ chơi không có quy định cấm các chất này.

Trong số 126 hóa chất độc hại mà nghiên cứu này phát hiện ra, có 27 chất đã được quy định rõ ràng là cấm sử dụng, nhưng vẫn xuất hiện trong các mẫu đồ chơi được xét nghiệm, 17 chất chưa được quy định nhưng có khả năng gây hại cho sức khỏe, các chất còn lại có khả năng gây hại nhưng nằm trong giới hạn cho phép hoặc không thể định lượng chính xác.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về ngưỡng "nồng độ tối đa cho phép" của các hóa chất này trong các nguyên liệu sản xuất đồ chơi trẻ em để giảm thiểu những bất cập trong hệ thống kiểm soát toàn cầu hiện nay.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất mức độ tối đa của các hóa chất này và họ hy vọng các kết luận của nghiên cứu sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quyết định các mức áp dụng cho từng hóa chất sử dụng cho từng mục đích cụ thể, cũng như giúp cho các công ty sản xuất đồ chơi đánh giá được lượng hóa chất sử dụng cho các sản phẩm của họ so với các tiêu chuẩn phải áp dụng.

Cho đến khi có quy định mới chính thức, "người ra quyết định" có vẻ vẫn chính là các bậc phụ huynh với một quyết định rất đơn giản: ngừng cho trẻ em chơi đồ chơi bằng nhựa.

Theo nhóm nghiên cứu, trẻ em ở các nước phương tây sử dụng trung bình mỗi năm 18,3 kg vật liệu đồ chơi bằng nhựa, và họ đang tiếp tục tìm hiểu xem số đồ chơi này chứa đựng những gì.

Trong báo cáo nghiên cứu, họ đã nêu lên rằng "một cách hiệu quả và có thể áp dụng được để giảm nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong đồ chơi nhựa là giảm lượng đồ chơi mới mà cha mẹ đem về nhà cho con hàng năm".

Bên cạnh đó, việc có quá nhiều đồ chơi cũng làm giới hạn khả năng tập trung và sáng tạo của trẻ trong quá trình tìm hiểu thế giới xung quanh.