1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Điều trị bằng thuốc có làm giảm cận thị ở trẻ không?

(Dân trí) - Trong một nghiên cứu mới đây, hơn 30% trẻ nhỏ Canada nhìn đồ vật bị nhòe ngay cả khi chỉ đi bộ loanh quanh, nguyên nhân là do tật cận thị mà không biết. Hiện nay các chuyên gia đang nghiên cứu một biện pháp đơn giản để giúp thay đổi chiều hướng gia tăng tật cận thị ở trẻ em.

Điều trị bằng thuốc có làm giảm cận thị ở trẻ không? - 1

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tật cận thị đang tăng lên trên toàn cầu với tốc độ báo động, nó ảnh hưởng đến khoảng 1,89 tỉ người trên toàn thế giới và nếu tốc độ đó không thay đổi thì con số sẽ là 2,56 tỉ người vào năm 2020 – tức là 1/3 dân số thế giới.

Trong một nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện ở Canada, các chuyên gia nhãn khoa đã xác định tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi 6 – 8 ở vùng Waterloo mắc cận thị là 6%, tỉ lệ này vọt lên 28,9% đối với trẻ từ 11 đến 13 tuổi. Tác giả của nghiên cứu – bà Debbie Jones, giáo sư trong lĩnh vực nhãn khoa của Trường đại học Waterloo, nói rằng khi mắc cận thị, con ngươi không lấy được đủ ánh sáng và bị kéo dãn ra.

Tình trạng này không phải là vô hại. Tật cận thị không được chữa sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và các sinh hoạt khác trong cuộc sống của trẻ. Tuy vậy, đơn thuốc càng nặng thì rủi ro càng nhiều. Một trong những vấn đề lớn khi mắc cận thị là đơn thuốc điều trị càng nhiều, bạn càng gặp nguy cơ phức tạp có thể dẫn đến mất thị lực về sau này, chẳng hạn như bị bong võng mạc hoặc thoái hóa võng mạc làm ảnh hưởng đến thị giác trung tâm. Võng mạc giống như một tờ giấy dán tường che phủ phía sau của mắt, cảm nhận ánh sáng và gửi hình ảnh lên não. Nếu bị kéo dãn quá xa, võng mạc có thể bị rách.

Một đơn thuốc mạnh cũng là một yếu tố nguy cơ gây thiên đầu thống (glaucoma), đục thủy tinh thể và các vấn đề phức tạp đe dọa thị lực. Giáo sư Jones nói “nếu chúng ta có thể làm chậm quá trình bệnh tật và hạn chế các đơn thuốc ở mức độ thấp hơn thì có thể giảm bớt nguy cơ mắc phải các vấn đề phức tạp đó.”

Cho dù gen di truyền giữ vai trò tương đối trong việc trẻ em mắc tật cận thị, nhưng các tác giả của nghiên cứu cũng đưa ra hai lời khuyên mà cha mẹ có thể làm được, đó là: giảm thời gian nhìn các loại màn hình và tăng thời gian hoạt động ngoài trời cho các cháu.

Tiến sĩ Alla Muladzanov – Bác sĩ chuyên khoa mắt của Bệnh viên Nhi Montreal – nhận định: đọc sách truyện, học bài và chơi điện thoại thông minh, máy tính bảng đều góp phần làm tật khúc xạ trầm trọng hơn. Ngày nay đâu đâu cũng thấy trẻ con dán mắt vào màn hình, bởi vì các trò chơi trên đó quá lôi cuốn. Cha mẹ cần giải thích với con và hạn chế thời gian chơi máy xuống dưới 1 tiếng mỗi ngày và hết sức động viên con tham gia các hoạt động ngoài trời khi thời tiết thuận lợi. Dành thêm thời gian chơi đùa cùng bạn bè, chơi các môn thể thao ngoài trời để có một lối sống năng động bởi vì ngoài lợi ích đối với tật khúc xạ thì vận động ngoài trời còn mang lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe về lâu dài.”

Nghiên cứu chỉ ra rằng dành thời gian hoạt động ngoài trời sẽ bảo vệ trẻ khỏi tật cận thị. Thêm mỗi một giờ hoạt động ngoài trời trong tuần sẽ giúp trẻ giảm tỉ lệ cận thị xuống 14%. Cho dù đang ở phổ cận thị nào thì nếu được chơi ngoài trời, tật khúc xạ của đứa trẻ cũng diễn biến chậm lại. Tại sao việc hoạt động ngoài trời lại tốt như vậy? Các nhà nghiên cứu chưa khẳng định chắc chắn nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy đó là nhờ tiếp xúc nhiều với ánh sáng, hấp thụ được nhiều vitamin D hay thậm chí là tác dụng tích cực của ánh nắng mặt trời lên chất truyền dẫn thần kinh.

Phạm Hường (Theo CBC)