Điều gì xảy ra nếu Nga đánh bom nhà máy hạt nhân Chernobyl?
(Dân trí) - Dữ liệu trực tuyến từ hệ thống giám sát bức xạ tự động của khu vực lân cận Chernobyl cho thấy bức xạ gamma đã tăng gấp 20 lần so với mức bình thường tại nhiều điểm quan sát.
Trong một diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quân đội Nga hiện đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi vẫn chứa rất nhiều chất thải hạt nhân có thể gây ra mối đe dọa cho các khu vực xung quanh.
Được biết, khu vực Chernobyl chứa 4 lò phản ứng hạt nhân, 3 trong số đó đã ngừng hoạt động, trong khi lò thứ tư là nguồn gốc của thảm họa lịch sử xảy ra năm 1986.
Lò phản ứng này hiện được bảo vệ bởi một "cỗ quan tài" chứa bê tông bên trong và một lớp vỏ nặng 32.000 tấn bên ngoài. Ngoài ra, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ các lò phản ứng khác vẫn được lưu trữ tại khu vực này, cùng với chất thải phóng xạ từ các thiết bị bị ô nhiễm.
Mặc dù lò phản ứng đã được che phủ, nhưng bức xạ đã làm "nhiễm độc" toàn bộ khu vực xung quanh. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hàng chục nguyên tố phóng xạ đã được phát tán vào không khí trong quá trình tan chảy, với một số nguyên tố được coi là nguy hiểm đối với động vật sống, bao gồm đồng vị iốt 131, stronti 90, cesium 134 và cesium 137; có chu kỳ bán rã lên tới 24.000 năm.
Tờ Science Alert đã trích dẫn dữ liệu trực tuyến từ hệ thống giám sát bức xạ tự động của khu vực lân cận Chernobyl cho thấy bức xạ gamma đã tăng gấp 20 lần so với mức bình thường tại nhiều điểm quan sát.
Mối đe dọa càng gia tăng khi các nguồn tin từ quan chức Ukraine cho rằng đây là do bụi phóng xạ bay lên do sự di chuyển và xáo trộn của các thiết bị quân sự hạng nặng trong khu vực.
Tuy nhiên trong một tuyên bố trái ngược, ông Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, nói rằng bức xạ xung quanh nhà máy vẫn nằm trong mức bình thường và quân đội Nga đang làm việc với các nhân viên của cơ sở để đảm bảo an toàn cho khu vực.
Song, câu hỏi hiện nay được giới chức, cũng như người dân sống ở các nước láng giềng quan tâm, đó là điều gì sẽ xảy ra nếu như nhà máy này bị đánh bom, khiến lượng phóng xạ thoát ra bên ngoài? Liệu có một thảm họa nào xảy ra hay không?
"Thật khó cho tôi để tưởng tượng ra loại hậu quả đó", Edwin Lyman, Giám đốc an toàn điện hạt nhân tại Liên minh các nhà khoa học cho biết. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng thực tế có thể sẽ không xảy ra tai nạn thảm khốc như vậy.
"Ngay cả khi vô tình xảy ra một vụ pháo kích vào cấu trúc che phủ lò phản ứng hạt nhân, tôi nghĩ rằng sẽ cần nhiều hơn thế để phát tán ra không khí một lượng chất phóng xạ đáng kể", Lyman nói.
Về vấn đề bức xạ gamma, chuyên gia này cho rằng mức tăng tạm thời như vậy có thể không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. "Tỷ lệ phóng xạ mà họ nhận được không lớn hơn quá nhiều so với tỷ lệ thông thường ở khu vực đó. Nó sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của họ so với mối đe dọa trong chiến tranh".
Dẫu vậy, Lyman thừa nhận rằng các kế hoạch về năng lượng hạt nhân cần phải tính đến khả năng xảy ra chiến tranh nổ ra tại khu vực này, vì có thể tiềm ẩn nhiều mối đe dọa.
"Nhà máy điện hạt nhân trở thành mục tiêu trong thời chiến là điều thực sự đáng lo ngại", ông nói. "Đặc biệt là khi các nước lớn đang bàn về việc mở rộng năng lượng hạt nhân đến những khu vực bất ổn trên thế giới".