Dị ứng thời tiết và cảm lạnh thông thường khác nhau thế nào?
(Dân trí) - Sáng thức dậy bạn thấy sổ mũi và có thể kèm theo hắt hơi nhiều hơn bình thường. Những dấu hiệu này giống như bạn bị cảm lạnh. Tuy nhiên nếu vào thời điểm giao mùa hoặc vào mùa xuân khi có nhiều loài hoa nở rộ, thì cũng có thể bạn bị dị ứng thời tiết.
Dị ứng thời tiết và cảm lạnh rất dễ bị nhầm lẫn vì hai tình trạng này đều thuộc thể viêm mũi, gây ra tấy, viêm của khoang mũi.
Các cơ chế của 2 dạng bệnh này cũng có một số đặc điểm giống nhau. Tuy nhiên, chúng có một số triệu chứng hoàn toàn khác, chủ yếu là ngứa và màu của nước mũi.
Các cơ chế giống nhau
Cảm lạnh thông thường là tình trạng đường hô hấp trên bị nhiễm vi rút, thường là do rhinoviruses gây ra. Cảm lạnh có thể lây truyền từ người này sang người khác do người ốm ho, xì mũi và sờ mó vào các đồ vật có vi rút.
Dị ứng thời tiết lại không hề lây. Đó là một phản ứng dị ứng với tác nhân gây dị ứng trong môi trường như là phấn hoa hoặc bụi.
Khoang mũi có nhiều tế bào nhận ra các vật ngoại lai như là côn trùng và phấn hoa. Khi cơ thể kháng lại côn trùng hay dị ứng nguyên, cơ thể kích hoạt các tế bào T có vai trò săn lùng và tiêu diệt các vật ngoại lai đó. Đây được gọi là phản ứng miễn dịch.
Ở bệnh dị ứng thời tiết, dị ứng nguyên cũng tác động đến các tế bào miễn dịch giống như khi cơ thể gặp vi rút, nhưng dị ứng thời tiết cũng đồng thời gây ra việc giải phóng các kháng thể và các histamine IgE khiến cho mũi bị ngạt, mất khứu giác và sưng tấy mũi.
Làm sao để nhận ra đâu là cảm lạnh và đâu là dị ứng
Cả dị ứng thời tiết và cảm lạnh thông thường đều gây ra hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi và ho. Một trong những điểm khác biệt lớn là màu của nước mũi: nước mũi có màu hơi vàng/ hơi xanh nếu bạn bị cảm lạnh; còn nước mũi trong nếu bạn bị dị ứng thời tiết.
Có cảm giác ngứa trên mặt, nhất là xung quanh mắt và cổ họng – là triệu chứng điển hình chỉ thấy ở người bị dị ứng thời tiết.
Người bị dị ứng với các dị ứng nguyên theo mùa ví dụ như phấn hoa chẳng hạn, thì các triệu chứng thường chỉ xuất hiện vào từng mùa cụ thể trong năm. Nhưng nếu là dị ứng với bụi hoặc khói, thì triệu chứng có thể quanh năm.
Dị ứng thời tiết, giống như hen phế quản, là một bệnh dị ứng và đôi khi có thể gây ra những triệu chứng giống nhau, như là ho, thở khò khè hoặc khó thở.
Còn cảm lạnh thì thường có dấu hiệu viêm họng. Nếu bạn có những triệu chứng giống như cảm lạnh và thấy viêm họng hoặc bị viêm họng trước khi có triệu chứng cảm lạnh thì phần nhiều khả năng là bạn bị cảm lạnh thông thường.
Nếu bạn chưa bao giờ bị dị ứng thời tiết thì sao?
Người lớn thường hay bị dị ứng thời tiết hơn trẻ em. Đây có thể là do bẩm chất di truyền chỉ có tác dụng khi đến một thời điểm đã tích tụ nhiều yếu tố, chẳng hạn như khi có rất nhiều phấn hoa trong không khí, hoặc cũng có thể do một sự thay đổi lớn trong cách sống, như là chuyển đến một vùng khác hẳn hoặc thay đổi chế độ ăn uống.
Chỉ khoảng 10 – 20% người dị ứng thời tiết thoát được căn bệnh này vào một vài quãng thời gian trong đời, và khoảng 50% thấy ít bị hơn khi họ nhiều tuổi hơn, nghĩa là dị ứng thời tiết có thể kéo dài rất lâu.
Bệnh nhân được điều trị thế nào?
Thông qua một xét nghiệm IgE, thường là xét nghiệm nhỏ dưới da hoặc thử máu, bác sĩ sẽ biết được những dị ứng nguyên nào gây ra tình trạng của bệnh nhân.
Thuốc uống kháng histamine rất có tác dụng đối với bệnh nhân dị ứng thời tiết thể nhẹ đến trung bình, cụ thể là những người mà triệu chứng chủ yếu là ngứa vòm miệng, hắt hơi, sổ mũi hoặc đỏ mắt, ngứa mắt.
Với cảm lạnh thông thường, nhìn chung, không cần điều trị bằng thuốc. Nếu bạn thấy khó chịu nhiều thì có thể dùng paracetamol và ibuprofen để làm giảm các triệu chứng.
Phạm Hường (Theo The Conversation)